3 tháng đầu năm, sản xuất ô tô trong nước đạt 56,2 nghìn chiếc

Trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Bộ Công Thương.

Cụ thể, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,9%). Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. 

Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. 

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.

Trong khi đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 3 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ. 

Giai đoạn đầu của quý I, ngành này cũng đã phải chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. 

Các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam. 

Gần đây, nguồn cung linh phụ kiện nhập khẩu cho ngành điện tử đã được phục hồi một phần do các doanh nghiệp cung ứng tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch. 

Tuy nhiên, việc nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường bộ mất nhiều thời gian thông quan hơn so với thông thường do các cửa khẩu vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch. 

Các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa phương thức vận chuyển linh phụ kiện nhập khẩu thay cho đường bộ, song việc này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí (đường hàng không) và thời gian (đường biển), đồng thời khó đảm bảo lượng linh phụ kiện cũng như tiến độ phục vụ công suất sản xuất.

Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song đối với việc phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và tính chất đặc thù của sản xuất điện tử, việc tìm nguồn cung dự phòng này không dễ và chi phí cũng tăng cao, đồng thời không ổn định về số lượng và chất lượng.

Thành Công

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/3-thang-dau-nam-san-xuat-o-to-trong-nuoc-dat-562-nghin-chiec-a3239.html