Bốn ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân mới mắc COVID-19

Tính tới 6h sáng ngày 20/4 là 4 ngày liên tiếp nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện, số ca mắc trên cả nước vẫn là 268 ca. Các ổ dịch vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe tới thời điểm hiện tại (cách ly) là 62.998, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 279; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.338; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 51.381 trường hợp.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội), thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), Bệnh viện Thận Hà Nội; quán bar Buddha (TPHCM); Bệnh viện Bạch Mai; xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 tới thời điểm hiện tại là 13 ca, số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 7 ca.

 

Đại diện Bộ Y tế Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế G20 để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Trước đó, từ 19h đến 23h tối 19/4 (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 bắt đầu cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu.  Tham dự cuộc họp có Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các Bộ trưởng Y tế của các nước G20, các tổ chức quốc tế và khu vực gồm WHO, WB, OECD, Quỹ toàn cầu, Quỹ LHQ, GAVI, Liên minh tiêm chủng. Đại diện Bộ Y tế Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp.

Cuộc họp này tiếp sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 3 năm nay, với mục tiêu là bảo đảm an toàn cho người bệnh và ứng phó toàn cầu đối với các tình huống y tế khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến đã đưa ra các giải pháp y tế chống đại dịch và khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số để phối hợp toàn cầu và đưa ra ưu tiên chuẩn bị ứng phó với đại dịch COVID-19. Đại diện của cả 5 châu lục cũng thể hiện quyết tâm phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vaccine, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo đó, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, Chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân. Việt Nam đã áp dụng chiến lược  “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và bảo đảm hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN đồng thời đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam có những nỗ lực nhằm nâng cao ứng phó dịch như: Chia sẻ kịp thời thông tin về phát hiện và điều trị COVID-19, các biện pháp chuẩn mực để giám sát sức khỏe ở vùng biên giới, trợ giúp lãnh sự đối với các công dân ASEAN đang trong tình huống cần giúp đỡ. Nhóm nghiên cứu xuyên lĩnh vực ASEAN gồm các quan chức cấp cao về sức khỏe, ngoại giao, quốc phòng, xuất nhập cảnh, giao thông đã được thiết lập nhằm phản ứng nhanh chóng, kịp thời với đại dịch. Một số biện pháp phối hợp chính sách giữa các nước ASEAN bao gồm củng cố năng lực ASEAN trước các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, thiết lập kho dự trữ thuốc men khu vực và xây dựng quỹ hỗ trợ đại dịch chung của ASEAN.

Hiền Minh

Nguồn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bon-ngay-lien-tiep-khong-ghi-nhan-benh-nhan-moi-mac-covid19-a3222.html