Từ món ăn “nhập khẩu”...
Theo các nhà nghiên cứu ẩm thực, bánh mì xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1850. Các món như: Cà phê, thịt bò, bánh baguette... đã theo chân người Pháp “định cư” tại Việt Nam, nhưng lại mang hương vị đặc trưng của người Việt mà điển hình là bánh mì. Chiếc bánh mì Việt Nam là biến thể của chiếc bánh baguette (bánh mì dài) được làm từ bột mì của người Pháp, nhưng vì không sẵn nguyên liệu nên người Việt đã thêm vào những thứ có sẵn để tạo thành chiếc bánh mì đặc trưng, không lẫn với bất cứ nơi nào khác. Ngay cả cách nướng bánh mì của người Việt cũng khác người Pháp. Nếu như người Pháp nướng bánh baguette trên lò củi thì người Việt nướng bánh mì trên những chiếc lò gạch đóng kín khiến chiếc bánh mì của Việt Nam có vỏ giòn, ruột rỗng hơn bánh baguette của người Pháp. Nhờ vậy, người Việt đã nghĩ ra cách kẹp thêm các loại nhân khác nhau để chiếc bánh mì ngon hơn, thuận tiện hơn và phù hợp với khẩu vị đa dạng của nhiều người.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long (Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam), bánh mì xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, sau đó du nhập vào Sài Gòn và các nơi khác ở Việt Nam. Bằng sự nhanh nhạy vốn có, người Hà Nội đã nắm bắt kỹ thuật nướng bánh mì và tạo ra những thương hiệu nổi tiếng như: Bánh mì Gia Long, bánh mì Tạ Văn Phồn... Những lò bánh này chuyên phân phối bánh mì cho các cửa hàng bán đồ ăn sáng ở Hà Nội. Nếu người Pháp chỉ ăn bánh mì với giăm bông, xúc xích, bơ hoặc pho mát, thì người Hà Nội đã sáng tạo ra cách ăn riêng với nhân được chế biến bằng nhiều nguyên liệu khác như lạp xưởng, giò, chả, ruốc, thịt... Đặc biệt, người Hà Nội đã cho thêm vào bánh mì chút đu đủ, cà rốt bào sợi ngâm giấm có vị chua thanh vừa phải, vài lát dưa chuột, cà chua tươi rồi thêm chút tương ớt, rau thơm..., tạo nên hương vị đậm đà, phong phú.
Sự sáng tạo này khiến chiếc bánh mì vốn được du nhập từ nước ngoài trở thành sản phẩm riêng của người Việt, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ: “Thưởng thức bánh mì như thưởng thức một bản giao hưởng mà người chế biến, bằng sự sáng tạo như một nhạc trưởng, đã tạo ra những chiếc bánh có hương vị khác nhau”.
... đến vai trò" sứ giả" ẩm thực
Tháng 3-2011, bánh mì chính thức được Từ điển tiếng Anh Oxford xác nhận như một danh từ riêng: “Banh mi (/ˈbɑːn miː/)” và giải thích: “Là món ăn nổi tiếng của người Việt Nam, được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân gồm pate, thịt, rau củ, nước xốt, tương ớt...”. Việc để nguyên chữ “bánh mì” mà không dịch nghĩa thành “baguette” hay “sandwich” cho thấy chỗ đứng của bánh mì Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới. Đó chính là tên riêng mang niềm tự hào, khẳng định vị thế của một món ăn Việt Nam.
Vừa qua, nhân kỷ niệm 9 năm bánh mì được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford, trang Google đã vinh danh bánh mì bằng hình ảnh trên phần biểu tượng Doodle, mô tả quy trình chế biến một chiếc bánh mì Việt Nam. Trước đó, từ năm 2013 đến năm 2017, bánh mì Việt Nam liên tục được các tạp chí du lịch quốc tế uy tín như National Geographic, Conde’ Nast Traveler, Huffington Post... bình chọn là món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Mới đây, du khách Matt Glick (bang Pennsylvania, Mỹ) đã có chuyến thăm Hà Nội và để lại nhận xét tích cực trên trang TripAdvisor: "Tôi đã nghe nhiều về món bánh đặc biệt này. Vì thế, ngay khi đến đây tôi đã thưởng thức món bánh mì để kiểm chứng. Và rồi chúng tôi đã phải quay lại các cửa hàng bánh mì nhiều lần trong suốt những ngày ở Hà Nội”.
Ông Hà Hải Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Ẩm thực Hải Đăng, nơi sở hữu chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Bánh mì Phố tại Hà Nội, chia sẻ: “Sở dĩ bánh mì Việt Nam được nhiều du khách ưa thích là bởi có thể “kẹp cả thế giới”. Người ta có thể kẹp bánh mì với bất cứ nguyên liệu nào, như xá xíu, thịt viên, pate, giò, chả, thịt nướng... Khi ra nước ngoài, bánh mì hoàn toàn có thể “chiều” theo khẩu vị của thực khách với nhiều nguyên liệu khác, chỉ cần tuân thủ công thức: Bánh mì + thịt + rau + nước xốt là có thể tạo nên một món ăn ngon. Với tính chất dễ thích nghi, dễ chế biến và cân bằng dinh dưỡng, bánh mì Việt Nam nay đã trở thành món ăn phổ biến ở nhiều nơi”.
Từ những chiếc xe đẩy trên hè phố hay các cửa hàng, bánh mì ngày càng khẳng định vị thế nhờ các chuỗi cửa hàng có sự đầu tư nghiêm túc về thương hiệu như "Bánh mì Phố", "Bánh mì Minh Nhật", "Bánh mì Hana", "Bami King", "Bánh mì que BMQ"... Đó không chỉ là sự nâng tầm một món ăn đường phố mà còn là cách để tiếp cận du khách dễ dàng hơn. “Sự ghi nhận của thế giới là bước đà thuận lợi để bánh mì Việt Nam vươn tầm thành món ăn quốc tế như Mc Donald, KFC hay Burger King... Nhưng để làm được điều đó, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn khác. Sau đó là tạo dựng được thông điệp, mô hình riêng... Nếu thành công, bánh mì sẽ là “sứ giả” quảng bá cho ẩm thực và du lịch Việt Nam trong tương lai". Chia sẻ này của ông Hà Hải Đoàn có lẽ cũng là suy nghĩa của nhiều người quan tâm đến câu chuyện ẩm thực, du lịch.
Linh Tâm
Nguồn:https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/963245/banh-mi---su-gia-am-thuc-va-du-lich-viet
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/banh-mi-su-gia-am-thuc-va-du-lich-viet-a3125.html