Ở châu Âu, Volkswagen tuyên bố sẽ sản xuất 200.000 máy trợ thở nhóm FFP-2 và FFP-3, sau khi hoàn tất việc cải tạo dây chuyền sản xuất ô tô sang mục đích mới. Về phần mình, Daimler - tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz - dự kiến sẽ cung cấp 110.000 mặt nạ phòng độc cho chính quyền bang Baden-Wuerttemberg (Đức). BMW cũng sẽ cung cấp 100.000 máy trợ thở.
Không thua kém đối thủ Đức, ở Italia, Ferrari và Fiat cũng cam kết sẽ cung cấp máy trợ thở cho các bệnh viện của đất nước hình chiếc ủng, nơi các bệnh viện đang quá tải vì số lượng bệnh nhân Covid-19 khổng lồ.
Các nhà máy công nghệ cao của ngành công nghiệp ô tô có nhiều thuận lợi để chế tạo trang thiết bị y tế.
Trong khi đó, các hãng xe Anh như Vauxhall, Rolls-Royce đều đã công bố kế hoạch sản xuất vật tư y tế. Hai đội đua F1 của nước này là McLaren và William đã điều động toàn bộ nhân sự của mình để tham gia sản xuất trang bị y tế, tập trung cung cấp cho Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS).
Tại Mỹ, khi số người nhiễm bệnh tăng lên đứng đầu thế giới (hơn 163.000 trường hợp trong ngày 31-3), Washington đã đề nghị hai hãng ô tô lớn nhất nước là General Motors (GM) và Ford bắt tay vào sản xuất máy trợ thở để bảo đảm tình trạng thiếu hụt không xảy ra.
Đáp lại, GM cho biết sẽ sản xuất thiết bị quan trọng này tại nhà máy Kokomo (Indiana) với sự hỗ trợ của đối tác Ventec Life Systems, dự kiến sớm xuất xưởng lô 10.000 chiếc đầu tiên. GM cũng tạm thời chuyển đổi một nhà máy ở Warren (Michigan) để sản xuất khẩu trang y tế, sẽ xuất xưởng khoảng 50.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày nếu có đủ nguyên liệu.
Mặt nạ cách ly được Ford chế tạo bằng công nghệ in 3D.
Về phần mình, Ford cho biết sẽ hợp tác với 3M, GE Healthcare và Liên đoàn lao động ngành ô tô Mỹ (UAW) để sản xuất trang bị y tế thiết yếu tại nhà máy lắp ráp ô tô tại bang Chicago. Trung tâm sản xuất công nghệ cao của Ford cũng đã sử dụng các máy in 3D để chế tạo mặt nạ cách ly dành cho y tá cấp cứu.
Ở châu Á, trong bối cảnh đang từng bước khôi phục hoạt động, một số hãng ô tô nội địa của Trung Quốc đã nhân cơ hội điều chỉnh dây chuyền sản xuất để sản xuất trang bị y tế.
Một số ví dụ như: Liên doanh SGMW ở Quảng Tây giữa GM, SAIC Motor và một đối tác nội địa (2 triệu khẩu trang/ngày); tập đoàn xe tải Shaanxi Automobile Group (3.000 kính y tế/ngày); nhà sản xuất ô tô chạy điện lớn nhất Trung Quốc BYD (5 triệu khẩu trang/ngày; 300.000 chai nước rửa tay khô/ngày).
Hãng ô tô Hàn Quốc KIA, tập đoàn ô tô Ấn Độ Mahindra… cũng quyết định đi theo hướng này.
Khẩu trang xuất xưởng từ nhà máy của BYD.
So với các ngành công nghiệp khác, môi trường sạch sẽ của các nhà máy chế tạo ô tô phù hợp để sản xuất khẩu trang, máy trợ thở, mặt nạ phòng độc… Thực tế, nhiều linh kiện của ô tô cũng có thể được tận dụng trực tiếp, như mô tơ quạt sưởi ghế trên xe Ford F-150 có thể tận dụng lắp các máy trợ thở, giúp duy trì sự sống cho các mắc Covid-19. Cách tiếp cận như vậy cũng là điều mà nhiều quốc gia có thể triển khai áp dụng, nhằm vượt qua trở ngại thiếu hụt trang bị y tế.
Hoàng Linh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hang-loat-hang-o-to-chuyen-sang-san-xuat-may-tho-khau-trang-a3083.html