Quy trình xét nghiệm khẳng định ca mắc Covid-19 được triển khai như thế nào?

Bộ Y tế vừa công bố danh sách 22 phòng xét nghiệm được cho phép xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19. Trong danh sách này, Hà Nội là một trong 6 địa phương được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19. Ngày 24-3, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm xét nghiệm Covid-19 của ngành Y tế Thủ đô về quy trình xét nghiệm đang được thực hiện ở đây.

- Xin ông cho biết, quy trình xét nghiệm để khẳng định một người mắc Covid-19 là như thế nào. Hiện Hà Nội đã được phép công bố ca dương tính sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định?

- Để khẳng định chắc chắn một người có mắc Covid-19 hay không, chúng tôi xét nghiệm trên hệ thống kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để phát hiện ARN của vi rút SARS-CoV-2 trong bệnh phẩm đường hô hấp. Sau khi có kết quả bệnh nhân âm tính với Covid-19 sẽ trả lại đơn vị gửi mẫu. Còn với kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với Covid-19, hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã được Bộ Y tế cho phép công bố khẳng định ca bệnh. Hiện nay, phòng xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã được Bộ Y tế kiểm tra và đã đạt được những yêu cầu trên. Việc tiếp theo là tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát, khoanh vùng ổ dịch và các ca tiếp xúc với người bệnh. Cùng với đó là tiếp tục chuyển mẫu bệnh phẩm của người bệnh đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm kiểm tra chéo. Từ kết quả này để khẳng định chắc chắn đây là một trường hợp dương tính với Covid-19.

- Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai xét nghiệm tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta. Vậy, những người đi từ nước ngoài về và được bố trí đến khu cách ly tập trung, thì phải xét nghiệm bao nhiêu lần, thưa ông?

- Tính đến trưa 24-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm tổng số hơn 10.000 mẫu. Tất cả những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm tối thiểu 2 lần. Tức là lần xét nghiệm đầu tiên được thực hiện ngay sau khi hành khách nhập cảnh. Lần xét nghiệm thứ 2 được triển khai vào 10 ngày hoặc 12 ngày sau khi người đó nhập cảnh và trước khi họ kết thúc 14 ngày cách ly. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì đến ngày thứ 14, trường hợp đó sẽ được kết thúc cách ly.

- Vậy, theo ông, qua quá trình xét nghiệm, với những trường hợp mắc bệnh đến ngày thứ bao nhiêu (kể từ sau khi nhập cảnh) có kết quả xét nghiệm khẳng định người đó dương tính với Covid-19?

- Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp y tế hiện đại. Phương pháp này bảo đảm việc xét nghiệm có kết quả chính xác đến 99,9%, không xảy ra tình trạng “âm tính giả”. Đối với vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 có thời gian ủ bệnh là 14 ngày. Trong 14 ngày, tùy theo thời điểm để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Nếu như việc lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu tiên khi người đó nhập cảnh, thì có thể vẫn chưa có kết quả dương tính với Covid-19. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Bởi, về nguyên tắc, vi rút SARS-CoV-2 khi vào cơ thể khu trú ở họng, có một số nhất định vào trong máu, một số sử dụng tế bào của đường hô hấp nhân lên và phát tán ra. Nếu như đối tượng đó đã nhiễm Covid-19, thì thường phải đến ngày thứ 5, thứ 6 sau khi nhập cảnh, tỷ lệ dương tính mới cao lên. Không bao giờ có chuyện một bệnh nhân vừa nhiễm vi rút, lấy mẫu xét nghiệm đã cho kết quả dương tính ngay lập tức. Riêng với những trường hợp có kết quả âm tính, thì từ thời điểm có kết quả âm tính về trước là an toàn, tức là chưa phát bệnh, chưa có khả năng lây lan cho người khác. Dù vậy, những trường hợp âm tính vẫn cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ 14 ngày.

- Với những người có nhu cầu cần xét nghiệm Covid-19, thì có thể làm ở đâu và cá nhân có thể gửi mẫu đến cơ sở xét nghiệm hay không, thưa ông?

- Hiện nay, tất cả các cơ sở xét nghiệm Covid-19 đều phải được sự cho phép của Bộ Y tế và triển khai thực hiện xét nghiệm chỉ tập trung với mục tiêu là phòng, chống dịch bệnh. Xét nghiệm Covid-19 chỉ áp dụng cho những người có chỉ định, như: Nhập cảnh vào nước ta, đi về từ vùng dịch, những đối tượng nghi nhiễm, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh... Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cho một số trường hợp đặc biệt phải xuất cảnh, mà cần phải có kết quả xét nghiệm này, Bộ Y tế đã cho phép một số cơ sở làm dịch vụ theo nhu cầu cá nhân. Việc xét nghiệm Covid-19 trong trường hợp này có kèm theo hồ sơ khám sức khỏe của cá nhân đó.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang

Nguồn:https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/962162/quy-trinh-xet-nghiem-khang-dinh-ca-mac-covid-19-duoc-trien-khai-nhu-the-nao

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/quy-trinh-xet-nghiem-khang-dinh-ca-mac-covid19-duoc-trien-khai-nhu-the-nao-a3013.html