Roma - “kinh đô thế giới”

Khởi đầu mang tên “Thành phố vĩnh hằng” (thành lập năm 753 trước Công nguyên), Roma liên tục phát triển qua mấy nghìn năm lịch sử và đạt tới đẳng cấp thành phố toàn cầu trong thời hiện đại. Roma đã, đang và sẽ làm tất cả để giữ mãi hình ảnh “kinh đô thế giới”, điểm đến yêu thích hàng đầu của du khách năm châu.

Có một điều rất đặc biệt, không có ở bất cứ thành phố nào khác trên thế giới, đó là các nhà lãnh đạo Roma và quốc gia Italia đã nối tiếp nhau trong nhiều thế kỷ để thực hiện mục tiêu biến thành phố này trở thành trung tâm nghệ thuật và văn hóa của thế giới. Vì thế, tiến trình phát triển của Roma được coi là tiến trình đô thị hóa liên tục, trong đó chú trọng đến quy hoạch và kiến trúc.

Công cuộc sáng tạo ấy bắt đầu từ thời kỳ Phục hưng với vai trò của Giáo hoàng Nicola V (ở ngôi 1447 - 1455) và sau 400 năm đã biến Roma trở thành trung tâm lớn của Italia. Roma trở thành thủ đô của Vương quốc Italia vào năm 1871, thủ đô của Cộng hòa Italia từ năm 1946. Với diện tích 1.285km², Roma là thành phố lớn nhất Italia và là một trong những thủ đô lớn ở châu Âu.

Về kinh tế, Roma hiện là thành phố toàn cầu hạng Beta+. Tuy nhiên, Roma tiềm tàng khả năng lên hạng trong tương lai gần vì đang có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 4,4%/năm. Thành phố đóng góp gần 7% tổng sản phẩm quốc nội, đứng đầu cả nước. Đây cũng là một trong những thành phố thuộc Liên minh châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Roma có mức GDP bình quân đầu người đạt trên 40.000USD/năm, đứng thứ hai tại Italia, sau Milano, cao gần gấp rưỡi GDP bình quân đầu người của Liên minh Châu Âu.

Do đặc thù của thành phố nổi bật về nghệ thuật và văn hóa nên nền kinh tế của Roma không có sự hiện diện của ngành công nghiệp nặng. Bù lại, Roma có ngành dịch vụ phát triển cao, là nơi đặt trụ sở của đa số các công ty lớn của Italia và 3 công ty nằm trong tốp 100 công ty lớn nhất thế giới. Các hoạt động thương mại, nhất là của các ngân hàng, làm cho Roma trở thành trung tâm giao dịch tài chính lớn và nhộn nhịp. Cùng với đó, Roma còn là một trung tâm bảo hiểm, điện tử, năng lượng, vận tải, công nghiệp hàng không vũ trụ, thiết kế và thời trang; có thế mạnh về công nghiệp điện ảnh, dược phẩm và dịch vụ tài chính...

Kinh tế du lịch đóng góp nguồn thu lên đến gần 12% GDP của thành phố. Lợi thế của Roma là tầm vóc vĩ đại về lịch sử, nghệ thuật và tôn giáo, trong đó tài nguyên di sản quý giá nhất là trên 25.000 điểm tham quan ở khu Trung tâm lịch sử Roma gồm các bảo tàng lớn và lâu đời, nhà thờ, cung điện, tàn tích Công trường La Mã, Đấu trường La Mã, các Đại vương cung thánh đường...

Đúng như câu xưa nay người ta vẫn thường nói: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”, thành phố này là một điểm đến du lịch hàng đầu của Italia, nằm trong tốp 3 tại Liên minh Châu Âu và tốp 15 thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới. Trung bình, mỗi ngày có gần 90.000 khách du lịch ghé thăm Roma và phần lớn là người nước ngoài. Sức hấp dẫn của Roma còn thể hiện ở vai trò một trung tâm giáo dục quốc gia và quốc tế lớn, nhất là ở giáo dục bậc đại học với rất nhiều học viện, trường đại học và viện đại học. Đại học Roma (còn gọi là La Sapienza) thành lập năm 1303, là một trong những đại học lâu đời nhất và lớn nhất thế giới. Với trên 140.000 sinh viên theo học, Đại học Roma luôn nằm trong tốp 50 của châu Âu và tốp 150 đại học tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, đến Roma, du khách có thể thấy ở đây vẫn còn khá nhiều điều cần khắc phục. Thị trưởng Roma, bà Virginia Raggi cho biết, thành phố ý thức được còn rất nhiều việc phải làm. Đó là sự bất cập về giao thông đô thị, suy thoái môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, biển quảng cáo kém mỹ quan, hạn chế về dịch vụ công ích đối với người cao tuổi, sự hạn chế về an ninh trật tự ở vùng ngoại thị... Thành phố đang tích cực xóa dần những “điểm trừ” mà công ty tư vấn Mercer đã chỉ ra để thực sự xứng đáng là “kinh đô thế giới”.

Một trong những nỗ lực đó là vạch ra và thực hiện một loạt dự án gồm xây thêm tuyến đường tàu điện ngầm (13 trạm, tổng chiều dài 30km) với công nghệ bảo vệ môi trường tiên tiến, nối với sân bay quốc tế Fiumicino để thu hút thêm du khách; xây cây cầu mới bắc qua sông Tiber nối với khu Magliana; xây dựng Stadio della Roma, một tổ hợp vui chơi với khu mua sắm, văn phòng, quán bar, club... Thách thức lớn đối với nữ Thị trưởng 42 tuổi này chính là việc thực hiện những gì bà đã cam kết với cử tri, trong đó, một nội dung quan trọng hàng đầu là khôi phục lại tính pháp lý và sự minh bạch cho các tổ chức ở thành phố sau hơn 20 năm quản lý yếu kém, nhằm mở ra một kỷ nguyên mới cho Roma.

Nhật Trình

Nguồn:http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/961271/roma---kinh-do-the-gioi

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/roma-kinh-do-the-gioi-a2950.html