Dấu ấn biểu tượng làng quê Việt Nam

Không dễ để đưa truyện cổ tích có từ ngàn xưa lên sân khấu kịch hiện đại. Nhưng Sân khấu Lệ Ngọc với vở “Cây tre thần” phóng tác từ tích cổ “Cây tre trăm đốt” có một "nước cờ" thông minh khi lồng trong đó thông điệp sống xanh của hôm nay, khiến vở diễn trở nên sinh động, gây chú ý với nhiều khán giả, đồng thời tôn vinh cây tre - biểu tượng của làng quê Việt Nam.

Vở “Cây tre thần” vẫn bám sát nội dung của truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, đưa khán giả trở về làng quê Việt Nam. Một lão phú hộ nọ vì muốn lợi dụng anh nông dân khỏe mạnh làm thuê không công cho nhà lão nên lừa anh nông dân hết lần này đến lần khác, kể cả việc bắt anh vào rừng tìm cây tre trăm đốt thì cho cưới con gái lão làm vợ. Không những mang được cây tre trăm đốt về, anh nông dân còn mang theo cả lời thần chú “khắc nhập”, “khắc xuất” để trừng trị lão phú hộ.

Truyện cổ tích có vẻn vẹn 3 trang sách, nhưng tác giả Lê Thế Song khéo léo chuyển thể thành một tác phẩm kịch nói dài gần 2 tiếng, với những tuyến nhân vật dày đặc, nhiều cảnh diễn, tình tiết, đối thoại và xung đột hấp dẫn. Ở đây, ngoài những nhân vật chính như ông Chánh Phát - lão phú hộ, Đức - anh nông dân, Hạnh - con gái phú hộ, thì tác giả còn dành nhiều “đất” cho các nhân vật như bà Chánh Phát - vợ lão phú hộ, Bạch Hổ và Trương Đáng - bố con quan lớn, Vại và Chum - chị em làm thuê cho phú hộ, Tiên tre - người giúp đỡ anh nông dân.

Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai trong vai trò đạo diễn đã kết hợp ngôn ngữ hình thể và nghệ thuật biểu tượng trong dàn dựng tác phẩm này, khiến câu chuyện dân gian quen thuộc thú vị, đầy đặn, có lớp lang và thuyết phục hơn. Nhiều chi tiết “đắt” được tác giả và đạo diễn đưa vào làm nổi bật tính cách của các tuyến nhân vật, đồng thời phơi bày cuộc sống thời phong kiến đầy bất công. Có thể kể đến như đoạn ông Chánh Phát ham bài bạc lại mê tín, mỗi lần đi đánh bạc lại bắt cô hầu phải đốt vía lấy may; bà Chánh Phát trước mặt chồng mà vẫn đong đưa với quan Bạch Hổ để kiếm của...

Bên cạnh những cảnh hài hước, châm biếm ở tuyến nhân vật phản diện, đạo diễn khéo léo lồng ghép câu chuyện tình yêu lãng mạn của anh nông dân Đức và cô gái Hạnh bằng âm nhạc, nghệ thuật múa, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Đặc biệt, cảnh diễn được khán giả chờ đợi nhất là sự xuất hiện của cây tre trăm đốt trên sân khấu đã được đạo diễn xử lý thuyết phục. Khi anh nông dân đọc thần chú “khắc nhập”, cây tre thần được thả từ trên cao xuống, màn nhung che lấp phía trên, đưa khán giả vào tưởng tượng về ngọn tre trăm đốt cao vút lên trời.

Sân khấu được thiết kế xanh mướt với lũy tre bao bọc xung quanh, từng đồ vật như chiếc ghế, chõng, quạt, sáo, gậy… đều bằng tre. Trong không gian làng quê thân thuộc ấy, người dân có những sinh hoạt văn hóa bình dị mà đặc sắc, thể hiện ở tiếng sáo tre dìu dặt ngân vang, những điệu múa dân gian dưới ánh trăng, các trò chơi, điệu võ truyền thống… Tất cả được đạo diễn đan cài trong vở kịch, tạo cho người xem ấn tượng về cây tre, nhắc nhở mỗi người Việt Nam thêm ý thức về loài cây biểu tượng của dân tộc ấy. Đồng thời, qua những tình tiết về sự nổi giận của Tiên tre khi có người phá hoại rừng, giao ước của anh nông dân khi có cây tre trăm đốt sẽ trồng thêm cả rừng tre..., vở kịch truyền đi thông điệp về việc tích cực trồng cây gây rừng, bảo vệ màu xanh quê hương, gìn giữ văn hóa truyền thống.

“Cây tre thần” thêm một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn của Sân khấu Lệ Ngọc là khai thác giá trị truyền thống dân tộc với cách dàn dựng hiện đại. Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc, người sáng lập sân khấu này cho biết, sau khi công diễn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tác phẩm sẽ lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới, nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Yên Nga/ HNMO

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/960475/dau-an-bieu-tuong-lang-que-viet-nam

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/dau-an-bieu-tuong-lang-que-viet-nam-a2922.html