Có thể nói trong thời gian qua, thông tin liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 được người dân cả nước quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, trong số này có không ít thông tin trên mạng xã hội được “tung” ra với mục đích câu like (thích), câu view (đọc, xem) gây chú ý để bán hàng... Những thông tin này đã gây hoang mang trong cộng đồng và gieo nỗi sợ hãi cho xã hội.
Để ngăn chặn tin giả, cần giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan chức năng và bản thân mỗi người sử dụng mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Chung (tổ dân phố số 8, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thường xuyên vào mạng xã hội để cập nhật tin tức và nhận thấy không ít người chia sẻ thông tin về số lượng người và khu vực bị nhiễm dịch bệnh do Covid-19. “Ban đầu thấy nhiều người chia sẻ tôi cũng hoang mang lắm. Sau đó bình tĩnh đọc và so sánh thì thấy những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội khác xa so với công bố trên báo chí... Theo tôi, cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm những hành vi tung tin bịa đặt gây hoang mang cho người dân", bà Nguyễn Thị Chung nói.
Với những cá nhân đưa thông tin sai sự thật, không chính xác, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, xử lý vi phạm theo quy định của Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo thống kê của Bộ Công an (tính đến ngày 5-2), cơ quan công an trong cả nước đã triệu tập 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh do Covid-19. Trong đó, nhiều người đã bị xử phạt hành chính, điển hình như đối tượng V.L.A (sinh năm 1987, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) bị Công an quận Đống Đa xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng vì đã đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh do Covid-19; tương tự, đối tượng P.T (sinh năm 1985, ở huyện Ba Vì) cũng bị Công an huyện Ba Vì phạt hành chính 12,5 triệu đồng...
Về giải pháp ngăn chặn tin giả, ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cần áp dụng hình thức xử lý mạnh với việc đưa tin sai sự thật. Ngoài ra, cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phân biệt thông tin thật - giả, lựa chọn nguồn tin để đọc, không chia sẻ nội dung không chính xác. Tiếp đó là áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin giả lan truyền trên mạng. "Hiện Viện Chiến lược thông tin và truyền thông đang được giao hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo tinh thần “ngắn - gọn - rõ” để người dùng dễ hiểu và đây là quy định “mềm” mang tính hướng dẫn song song với chế tài xử phạt", ông Đỗ Quý Vũ thông tin.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các đơn vị chức năng của bộ, sở thông tin và truyền thông các địa phương cũng đã phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, xử lý hành chính việc tung tin giả, nhất là những thông tin giả có tác động đến xã hội, như về dịch bệnh do Covid-19. Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là xử phạt đối tượng tung thông tin giả mà là tăng cường các thông tin chính thống lên mạng xã hội trong và ngoài nước để định hướng dư luận.
Theo Hà Nội Mới
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ngan-chan-tin-gia-can-nhieu-giai-phap-a2847.html