Sản phụ Nguyễn Thị Thúy A. (25 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng chuyển dạ sớm, thai 39 tuần 2 ngày, block nhĩ thất độ 3, nhịp thoát bộ nối 50 lần, nhịp tim chậm 40-48 lần/phút...
Qua khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm…, các bác sĩ nhận định sản phụ chuyển dạ sinh có dịch ối lẫn phân xu, có chỉ định mổ cấp cứu lấy thai trên nền bệnh lý rối loạn nhịp chậm nặng. Nhận định đây là một trường hợp có bệnh phối hợp phức tạp, cần xử trí cấp cứu, nên các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất phẫu thuật cấp cứu.
Theo BS CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong các rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Đặt máy tạo nhịp tim là một lựa chọn điều trị tối ưu ở những bệnh nhân có triệu chứng hoặc có nguy cơ tim mạch cao.
Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử ngưng tim bất cứ lúc nào. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, sau đó phẫu thuật cho sản phụ. Sau khi đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho phẫu thuật. Thời gian thực hiện đặt máy tạo nhịp là 25 phút và các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, giúp sản phụ "vượt cạn" thành công với một bé trai 2,6kg.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô.
Ngọc Dân/ SGGPO
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phau-thuat-thanh-cong-san-phu-roi-loan-nhip-tim-muc-do-nang-a2714.html