Với thời tiết ôn hòa, quanh năm mát mẻ, được ví như là Sa Pa thu nhỏ của vùng Đông Bắc, Bình Liêu được coi là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp và khai thác du lịch nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Vườn hoa đua sắc trên Cao Sơn |
Tận dụng khí hậu thuận lợi của Cao Sơn, với sự ủng hộ của chính quyền, tháng 5/2019, anh Nguyễn Thanh Hải từ TP Hạ Long đã ấp ủ và quyết tâm thành lập Hợp tác xã hoa Bình Liêu. Tại Bình Liêu, cho đến nay, đây là hợp tác xã đi đầu trong việc áp dụng mô hình trồng hoa với quy mô lớn để cung ứng cho thị trường, cũng như tạo điểm tham quan du lịch trải nghiệm trên địa bàn.
Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Bình Liêu, anh Nguyễn Thanh Hải đã dành nhiều tâm huyết với Hợp tác xã hoa và nung nấu tạo dựng cho vùng đất này một sản phẩm du lịch bền vững, mang lại nguồn sinh kế mới cho cộng đồng |
Nhờ sự tâm huyết, đam mê của anh Nguyễn Thanh Hải, hàng trăm loài hoa bản địa, hoa nhập khẩu nhanh chóng tươi tốt, nở hoa khoe sắc trên những thửa ruộng bậc thang, giữa điệp trùng đồi núi Cao Sơn. Với sức sống mới này, đây được coi là vườn hoa độc đáo nằm ở độ cao nhất tỉnh, trở thành điểm đến thưởng lãm cảnh quan, sinh thái của Bình Liêu.
Không chỉ tạo điểm tham quan mới cho Bình Liêu, Hợp tác xã hoa Bình Liêu còn ưng ứng cây giống ra một số thị trường khác ngoài địa bàn |
Không chỉ là nguồn cung ứng hoa, cây giống cho thị trường lớn nhất trên địa bàn Bình Liêu, Hợp tác xã hoa Bình Liêu còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân, trong đó có nhiều đồng bao dân tộc thiểu số. Đón nhận một luồng gió mới này, bà con quanh Cao Sơn rất phấn khởi, vui mừng, hỗ trợ để Hợp tác xã vận hành, phát triển.
Nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia làm việc tại Hợp tác xã hoa Bình Liêu |
Được biết, từ năm 2014 đến nay, huyện Bình Liêu đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của một huyện miền núi, biên giới và dân tộc có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, nhằm tạo ra một hướng đi mới, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhiều giống hoa được ươm trồng tại Cao Sơn |
Bước ngoặt lớn là kể từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06 về Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Binh Liêu; thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch.
UBND huyện Bình Liêu cũng đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cụ thể hóa bằng các Kế hoạch phát triển du lịch hàng năm để triển khai thực hiện.
Hợp tác xã hoa Bình Liêu là một trong những dự án lớn về đầu tư du lịch |
Để tạo sự đột phá cho ngành công nghiệp dịch vụ, du lịch trên địa bàn, lãnh đạo huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư dự án du lịch trên địa bàn. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã hiện diện, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch dự án hoạt động, ngoài dự án trồng hoa của Hợp tác xã hoa Bình Liêu đang trong quá trình liên kết với người dân triển khai; dự án nuôi cá nước lạnh của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Đông Bắc tại Khe Tiền, xã Đồng Văn dù không phải là điểm du lịch nhưng rất thu hút khách tham quan còn có Công ty Cổ phần Du lịch Sen Á Đông đang nghiên cứu, thực hiện dự án Khu du lịch cộng đồng Lục Hồn, dự án du lịch sinh thái thác Khe Vằn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Long Hải JSC…
Dự kiến, Hợp tác xã hoa Bình Liêu sẽ mở rộng diện tích gieo trồng, tạo cảnh quan, sản phẩm mới trên Cao Sơn |
Thời gian tới, Bình Liêu sẽ chủ động, tập trung triển khai đầu tư thêm làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; tiếp tục nghiên cứu triển khai làng văn hóa dân tộc Dao tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn; bản Khe O, Bản Cao Thắng xã Lục Hồn; bản Nà Nhái, xã Vô Ngại; làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại bản Lục Ngù, xã Húc Động. Đặc biệt, sẽ khuyến khích người dân đầu tư vào các ngành, nghề liên quan đến phát triển du lịch, khuyến khích cộng đồng dân cư trên địa bàn phát triển các sản phẩm du lịch, coi trọng việc thực hiện các dự án nhỏ như dịch vụ lưu trú, dịch vụ hướng dẫn và các dịch vụ khác…
Đến nay, du lịch Bình Liêu đã được định hình trên bản đồ của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, từng bước hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. |
Hoa Quỳnh/ CTO
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hoa-no-tren-cao-son-a2644.html