Năm 2020, ngành dệt may thiếu đơn hàng

Những năm trước, cuối quý IV các doanh nghiệp ngành dệt may "chốt" đơn hàng năm sau. Năm nay, đến thời điểm hiện tại lượng đơn hàng ở một số đơn vị chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn mà chỉ ngắn hạn theo tháng, quý.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, dòng chuyển dịch đơn hàng sang một số quốc gia mới nổi ở châu Phi khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Chưa kể, cuộc cạnh tranh với các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... ngày một khốc liệt.

 
Năm 2020, dệt may theo đơn hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trong khi việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại. Cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho.

Không riêng doanh nghiệp sản xuất, gia công may mặc, các đơn vị ngành sợi cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI và các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...

Những tháng đầu năm, nhiều nhận định đưa ra cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc ký thêm các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp tăng đơn hàng từ Việt Nam, song thực tế ngược lại. Việc doanh nghiệp dệt may khan hiếm đơn hàng năm sau đã được dự báo từ giữa năm.

Hai lý do được đưa ra, là "sức khoẻ" kinh tế thế giới sụt giảm, ảnh hưởng tới sức mua chung; và doanh nghiệp chưa có giải pháp căn cơ vượt qua yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi các FTA có hiệu lực.

Ngành dệt may đang chịu sức ép về nguồn cung khi phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu không nhỏ. Dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế về giá nhân công so với một số nước. Ngoài ra, việc đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ cho ngành dệt may còn hạn chế dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh.

Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may cần chuẩn hoá quy trình sản xuất, cắt giảm chi phí, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA, cũng như tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, thu hút nhiều đơn hàng trong tương lai.

Theo báo Dân Sinh

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nam-2020-nganh-det-may-thieu-don-hang-a2611.html