Vì sao Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và shisha?

Với tính chất gây hại cho sức khỏe, thậm chí gây nghiện chất nicotine, thuốc lá điện tử và shisha là hai loại thuốc lá thế hệ mới có thể sẽ bị cấm tại Việt Nam. Trong khi đó, thuốc lá nung nóng cũng đang được các nhà quản lý đặt ra vấn đề cần có quy định quy chuẩn quốc gia để giới hạn hàm lượng thuốc lá an toàn cho người sử dụng.

Trước thông tin Bộ Y tế đang đề xuất cấm thuốc lá điện tử và shisha, phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Huy Quang, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai khá hiệu quả trong thời gian. Xin ông cho biết những thành tựu Việt Nam đã đạt được?

TS Nguyễn Huy Quang: Sau một thời gian triển khai Luật, Việt Nam đạt được thành tích ngoạn mục, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao như tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm xuống 2% ở nam giới, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm 12-15% và tỷ lệ hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên giảm tốt.

Vì sao Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và shisha?

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn còn phải đối mặt với thực tế là số người hút thuốc lá ở nơi công cộng, ở điểm cấm hút thuốc lá còn cao. Chúng ta cũng vẫn còn khó kiểm soát việc nhập lậu thuốc lá từ biên giới về.

Vì thế, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu được tác hại của thuốc lá để có sự thay đổi về hành vi. Phải làm thế nào người đứng đầu ở nơi công cộng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc cấm hút thuốc lá. Nơi nào cấm thuốc lá sẽ phải có phòng cách ly để không ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Chúng tôi cũng tập trung vào cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí để nâng cao nhận thức tác hại của thuốc lá, ngăn ngừa quảng cáo khuyến mại và tài trợ, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phòng chống buôn lậu thuốc lá qua biên giới bằng việc xử phạt nghiêm minh.

Phóng viên: Hiện nay Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số loại thuốc lá hiện đại mới xâm nhập vào Việt Nam mà Luật chưa có quy định điều chỉnh. Theo ông, với những loại thuốc lá này, chúng ta sẽ quản lý như thế nào?

TS Nguyễn Huy Quang: Sau thuốc lá truyền thống, xuất hiện loại thuốc lá hiện đại gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha (thuốc lào của Ả Rập). Trong đó, thuốc lá điện tử có chiết xuất hóa học của chất nicotine, qua hệ thống hơi sẽ tỏa khói vào người hút. Thuốc shisha có sự phối hợp giữa các loại hương liệu cũng chứa chất nicotine. Thuốc lá nung nóng sử dụng nguyên liệu lá thuốc lá, giấy pha tẩm lá thuốc lá và đặc biệt loại thuốc này làm nóng bằng bộ phận nung nóng có pha một chút kim loại kẽm để giúp làm nóng điếu thuốc ở nhiệt độ 350 độ, cũng gây hại cho sức khỏe.

Hiện nay, những loại thuốc này chưa xâm nhập vào Việt Nam nhiều. Theo kết quả một cuộc điều tra năm 2015 cho thấy, trong số những người hút thuốc lá, có khoảng 2% sử dụng thuốc lá hiện đại và ngày một tăng. Nếu không có cảnh báo mang tính chất xã hội để đến khi giới trẻ nghiện thì cấm không còn tác dụng.

Trước những tác hại của shisha và thuốc lá điện tử với người dân, với an ninh trật tự và đặc biệt là giới trẻ, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu cùng Bộ Công thương đề xuất Chính phủ và Quốc hội cấm sử dụng và nhập khẩu sử dụng thuốc lá điện tử, shisa vào năm 2020.

Hiện nay, chúng tôi đang thu thập thêm bằng chứng của thế giới và Việt Nam để có được những phân tích về cơ chế chính sách, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, shisha và tác hại với sức khỏe, tác động đến đời sống cộng đồng thế nào.

Phóng viên: Vì sao Việt Nam đề xuất cấm hai loại thuốc lá hiện đại là shisha và thuốc lá điện tử?

TS Nguyễn Huy Quang: Qua nghiên cứu của thế giới cũng như của Việt Nam, thuốc lá điện tử và shisha có tác hại đối với sức khỏe con người không khác gì thuốc lá truyền thống nhưng có tác hại là do sự phối trộn của các hương liệu có nicotine làm cho vị giác của giới trẻ sẽ có sự thay đổi. Loại thuốc này cũng là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, hô hấp, trong đó có ung thư phổi, vòm họng…

Ngoài ra, với sự tự phối trộn hương liệu khác nhau, có thể lên tới bốn nghìn hương liệu, dễ tiếp cận giới trẻ, hút êm và sâu nhưng việc trộn nhiều hàm lượng nicotine trong loại thuốc lá này sẽ làm cho tỷ lệ giới trẻ nghiện tăng lên nhanh chóng. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng khe hở này để tăng lượng nicotine, thậm chí pha trộn cả heroin trong shisha hay thuốc lá điện tử, lâu dài gây nghiện. Điều này sẽ gây tác hại cho cho sức khỏe, kinh tế, tương lai nòi giống Việt Nam và trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, tính an toàn của hệ thống thuốc lá điện tử không tốt. Tại Mỹ, đã ghi nhận hơn hai nghìn trường hợp thương vong, 39 ca tử vong liên quan thuốc lá điện tử. Rõ ràng, thuốc lá điện tử hay shisha có những tác hại lớn.

Hiện nay, trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm thuốc lá điện tử; 56 quốc gia cho phép bán thuốc lá điện tử nhưng có các quy định, hạn chế về việc bán; 30 quốc gia quy định hàm lượng nicotine (hay các hàm lượng chất khác) trong thuốc lá điện tử.

Riêng đối với thuốc lá nung nóng do áp dụng quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là vẫn được dùng nguyên liệu lá thuốc lá và chế phẩm khác có liên quan, nên theo Luật, loại này vẫn được cho phép sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu phải có những quy định mang tính đặc biệt hơn như cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và phải có quy định quy chuẩn quốc gia cho loại thuốc này, để giới hạn hàm lượng an toàn cho người sử dụng.

Xin cảm ơn TS Nguyễn Huy Quang!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường.

Các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ, bỏng, chấn thương, gãy xương. Dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…

Thiên Lam/ NDO

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/vi-sao-bo-y-te-de-xuat-cam-thuoc-la-dien-tu-va-shisha-a2585.html