Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu
“Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng các “mặt hàng” trên gây hậu quả xã hội rất lớn, nhưng cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trong xử lý. Nguyên nhân là do pháp luật hiện còn khoảng trống, thiếu chế tài xử phạt”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu vấn đề và kiến nghị Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cần nghiêm cấm hành vi đầu tư, kinh doanh shisha, bóng cười, bào thai.
Đại biểu nói thêm: "Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo, có biện pháp tăng cường sức khỏe cho người dân, bởi vậy việc cấm đầu tư, kinh doanh shisa, bóng cười, bào thai là hết sức cấp bách và cần thiết, vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm".
“Dịch vụ xoa bóp được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện, tại sao dịch vụ thám tử tư lại không?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề.
Ông Nghĩa cho rằng việc bỏ dịch vụ thám tử tư ra khỏi danh mục cấm, kinh doanh có điều kiện như dự thảo Luật là rất nguy hiểm. Bởi theo ông, hoạt động này thu thập rất nhiều thông tin đời tư của công dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)
“Ai quản lý dữ liệu này? Dữ liệu sử dụng trong trường hợp nào. Có luật nào khống chế việc sử dụng này không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề và cho biết các nước quản lý dịch vụ này rất chặt chẽ, nghiêm túc.
Chung băn khoăn với một số đại biểu khi dịch vụ sản xuất, kinh doanh nước sạch không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện của dự thảo Luật, ông Nghĩa đề nghị phải đưa dịch vụ này vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian hoàn thiện dự án Luật, ban soạn thảo sẽ ghi nhận một số ngành nghề đại biểu đề xuất để có đánh giá tác động và bổ sung vào danh mục các ngành nghề cấm hoặc kinh doanh có điều kiện.
Tiếp tục rà soát việc đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm
Liên quan đến việc bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm khác nhau.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh)
Đây là hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thực tế, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình người vay, bởi nếu kiện ra tòa mất nhiều thời gian và chi phí và nếu người vay bị xử tù thì số nợ của họ cũng không đòi được.
“Quy định như dự thảo Luật liệu có ngăn chặn được công ty tài chính mọc lên như nấm, thực chất là cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê?”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) đặt vấn đề và cho rằng cốt lõi là cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, có chế tài chặt chẽ và truy tố hình sự các đối tượng đòi nợ thuê có hành vi côn đồ, chứ không phải “không quản được thì cấm".
Với quan điểm khác, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Đoàn Ninh Thuận) và Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cùng cho rằng không phải “không quản được thì cấm” mà ngành nghề này đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội nên việc đưa vào danh mục cấm là phù hợp.
“Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, xã hội đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Phạm Huyền Ngọc nêu thực trạng.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân chỉ ra công tác quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn nhiều lỏng lẻo, gần như mất kiểm soát đã tạo ra lỗ hổng.
Trước hai nhóm ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội về việc nên hoặc không nên đưa ngành nghề dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định hai luồng ý kiến đều có những cơ sở khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, ban soạn thảo đã hết sức cân nhắc vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến quan hệ dân sự.
Việc đưa ngành nghề này vào danh mục cấm là đề nghị rất quyết liệt của ngành Công an. Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, xác định cơ sở để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét quyết định.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết ý kiến thảo luận của 24 đại biểu trong sáng nay sẽ được tiếp thu đầy đủ trong quá trình hoàn thiện dự thảo luận, trình ra xem xét tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV.
bBảo Hân/ HNMO
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/can-nghiem-cam-dau-tu-kinh-doanh-shisha-bong-cuoi-bao-thai-a2558.html