Làm mới những tác phẩm cũ

Sau gần 80 năm, độc giả yêu mến tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài vừa đón thêm phiên bản mới - truyện tranh do họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện, NXB Kim Đồng ấn hành.

Tận dụng nguồn tài nguyên

Xuất hiện lần đầu vào năm 1941, Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng nhất và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Với việc chuyển thể thành phiên bản truyện tranh độc đáo, bắt mắt của họa sĩ Tạ Huy Long, tác phẩm có gần 500 khung tranh, trong đó có rất nhiều tranh khổ lớn, kế thừa nguyên vẹn nội dung cốt truyện, nhân vật bản gốc của nhà văn Tô Hoài. Những chuyến phiêu lưu của anh chàng Dế Mèn được họa sĩ Tạ Huy Long kể lại bằng ngôn ngữ sống động và hấp dẫn. 
Làm mới những tác phẩm cũ ảnh 1Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký vừa có thêm phiên bản truyện tranh được thực hiện công phu và đẹp mắt
Trước Dế Mèn phiêu lưu ký, Phương Nam Book cũng từng chuyển thể 2 tác phẩm Những giọt mực và Ngôi nhà trong cỏ thành những sách tranh độc đáo, với nét vẽ sinh động thuộc Tủ sách Chồi non. Hai tác phẩm trên của nhà văn Lê Tất Điều và Lý Lan đều là những tác phẩm văn học nổi bật dành cho thiếu nhi. Mỗi chương tác phẩm hoàn toàn có thể đứng độc lập như một truyện ngắn. Vì vậy, khi chuyển thể, những người thực hiện dễ dàng tận dụng lợi thế này để có thêm những cuốn sách tranh xinh xắn và lôi cuốn. 

Thời gian qua, một số công ty sách trong nước cũng bắt đầu thử nghiệm hình thức này. Chẳng hạn như 1980 Books với bộ truyện Hoàng tử bé của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry; Đông A với Cái tên của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi… Năm 2010, Công ty Phan Thị từng chuyển thể loạt tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1945 thành truyện tranh như Chí Phèo (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Giông tố (Vũ Trọng Phụng); sau này thêm Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng). 

Theo bà Đông Vy, Phó Giám đốc phụ trách nội dung của Phương Nam Book, sở dĩ Những giọt mực và Ngôi nhà trong cỏ được chọn để chuyển thể vì 2 tác phẩm này có nhiều yếu tố phù hợp  hình thức sách tranh: dung lượng chữ vừa phải, nhân vật sinh động, ngôn ngữ giàu hình ảnh, nội dung gần gũi với trẻ em.

“Rõ ràng, so với những thế hệ trước, trẻ em ngày nay ưa thích việc tiếp cận nội dung thông qua hình ảnh hơn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng việc chuyển thể các tác phẩm thành sách tranh sẽ giúp đưa những tác phẩm hay đến với độc giả nhí dễ dàng hơn”, bà Đông Vy cho biết. 

Thách thức không nhỏ

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết, Dế mèn phiêu lưu ký ra mắt lần này hoàn toàn được “comic hóa”. Còn trước đó, với tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng chỉ bổ sung nhiều hình ảnh minh họa và giữ nguyên nội dung. Đơn vị này đang có kế hoạch làm mới một số tác phẩm như Nam Hải dị nhân và Truyền kỳ mạn lục.

“Đó là những tác phẩm có giá trị, được nhiều người biết đến. Khi lựa chọn để giới thiệu đến các em bây giờ, bên cạnh những phiên bản chữ, chúng tôi thực hiện thêm những phiên bản mới bổ sung nhiều hình minh họa”, bà Quỳnh Liên chia sẻ.

“Để chuyển thể một tác phẩm, bản thân tác phẩm đó phải có giá trị, đã được mọi người biết đến thì khi triển khai sang các hình thức khác nó dễ truyền cảm hứng hơn. Tuy nhiên, sự thành công còn phụ thuộc vào cách mình chuyển thể kịch bản, đội ngũ thực hiện hình ảnh. Bởi vì khi chuyển thể hình ảnh chiếm tới 80% diện mạo của tác phẩm. Tôi vẫn đánh giá đây là một hướng đi hay và nên thử nghiệm. Việc độc giả có tiếp nhận hay không cũng cần phải có thêm thời gian. Chúng ta cũng không thể kỳ vọng ngay lập tức về doanh thu hay tác phẩm sẽ trở thành best-seller”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết. 

Việc làm mới một tác phẩm cũ ngoài việc giúp tác phẩm ấy tiếp tục sống, còn mang đến một món ăn mới cho bạn đọc, phù hợp hơn với việc đọc của người đọc trẻ ngày nay. Bà Quỳnh Liên cũng cho rằng, việc chuyển thể như vậy không làm giảm giá trị của tác phẩm, vì mỗi hình thức sẽ có một sự mới mẻ. Có thể những người thích đọc văn học, thích tưởng tượng, không lựa chọn phiên bản sách tranh; nhưng những ai thích thiên hướng hành động của tác phẩm thì những hình ảnh trong tác phẩm mang đến cho họ thêm một hình dung. 

Còn theo bà Đông Vy, việc chuyển thể tác phẩm văn học sang sách tranh không phải là xu hướng mới. “Ở Nhật chẳng hạn, có thể tìm thấy hầu hết các tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới dưới hình thức manga. Theo tôi, việc thể hiện tác phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau là xu hướng tất yếu vì nó vừa đáp ứng nhu cầu, sở thích đa dạng của các đối tượng độc giả khác nhau, vừa giúp nhà xuất bản khai thác tối đa tiềm năng của tác phẩm”, bà Đông Vy cho biết. 

Bà Đông Vy nói thêm, với sách tranh, yếu tố thu hút độc giả được chia cho cả phần nội dung (chữ) và hình ảnh (tranh vẽ). Kể cả nội dung hay, nhưng nếu tranh vẽ, minh họa, hình thức sách không đẹp, không phù hợp thì vẫn khó chinh phục độc giả. Đó là một thách thức không nhỏ đối với trường hợp chuyển thể một tác phẩm đã nổi tiếng. Tuy nhiên, hình thức mới không loại trừ hình thức cũ, việc chuyển thể thành sách tranh chỉ tăng thêm lựa chọn, nghĩa là tăng khả năng tiếp cận độc giả. Có thể nói đời sống của tác phẩm gốc và tác phẩm chuyển thể là độc lập với nhau, cái này không làm giảm giá trị cái kia.

HỒ SƠN/ SGGPO

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lam-moi-nhung-tac-pham-cu-a2480.html