Hà Nội tăng cường kiểm tra hoạt động kết nối mạng, cập nhật các cơ sở dữ liệu các nhà thuốc, để hạn chế tình trạng tái sử dụng, cho mượn đơn thuốc. Ảnh: Bá Hoạt
Nhiều hậu quả khi tự chữa bệnh
Tại thời điểm này, Bệnh viện Da liễu trung ương đang tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Điều đáng bàn, trước khi đến bệnh viện, đa phần người bệnh bị nhầm lẫn với bệnh viêm da do vi rút varicella zoster (gây bệnh zona) và tự mua thuốc điều trị, nhưng không khỏi. Thậm chí, một số trường hợp khi nhập viện đã ở trong tình trạng tổn thương da rất nặng, phải điều trị dài ngày.
Theo bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu trung ương), zona là bệnh do vi rút và viêm da tiếp xúc do côn trùng phải được điều trị theo phương pháp khác nhau. Thế nhưng, khi đến đây, nhiều bệnh nhân cho biết, người quen của họ từng mắc zona và được chữa khỏi. Do vậy, khi thấy có những biểu hiện tổn thương trên da giống với zona, họ mượn đơn rồi mua thuốc tự chữa. Sử dụng thuốc điều trị zona chữa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không những làm tổn thương da nặng thêm, mà khi tùy tiện uống loại thuốc này trong thời gian kéo dài sẽ gây nhiễm độc gan.
Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị viêm da cơ địa gây chàm đến bệnh viện khám và được chữa khỏi. Sau một thời gian, bệnh nhân này bị nhiễm nấm. Thấy biểu hiện trên da giống với khi bị chàm, người này đã tự chữa bằng đơn thuốc cũ và sau đó phải nhập viện, vì điều trị mãi không khỏi. "Tỷ lệ bệnh nhân tái sử dụng đơn thuốc, khiến bệnh nặng thêm trước khi nhập viện chiếm khoảng 30%" - bác sĩ Đào Hữu Ghi nhấn mạnh.
Một đơn thuốc cần phải có đủ các thông tin: Tên tuổi, giới tính, địa chỉ người bệnh; tên, chữ ký của bác sĩ kê đơn; các xét nghiệm cận lâm sàng, phân loại bệnh tật, phác đồ điều trị. Ngoài ra, trong đơn thuốc phải có tư vấn, căn dặn của bác sĩ về từng loại thuốc, cách dùng, cách ăn uống, nghỉ ngơi… và khi nào người bệnh cần tái khám.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay rất khó tìm thấy đơn thuốc đúng như thế. Còn người bệnh thì dễ dãi trong việc dùng đơn thuốc cũ, mượn đơn thuốc của người khác và dễ dàng ra hiệu thuốc mua được cả thuốc nằm trong diện phải được kê đơn, có chỉ định của thầy thuốc. Bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết, trung bình mỗi năm, Khoa Điều trị tích cực của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nặng bị ngộ độc do tự mua thuốc chữa bệnh.
Tình trạng tái sử dụng đơn thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bà mẹ. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: "Tỷ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ tại nhà trước khi đưa tới bệnh viện chiếm từ 80% đến 90%. Trẻ bị ho, sốt có thể là biểu hiện của những bệnh hô hấp thông thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê các thuốc điều trị triệu chứng, không cần dùng đến kháng sinh. Sau đó, trẻ tiếp tục bị bệnh với các biểu hiện ho, sốt nhưng lại là triệu chứng của bệnh viêm phổi. Lúc này, nếu cha mẹ cho trẻ dùng đơn thuốc cũ, không có kháng sinh điều trị, thì bệnh của trẻ có thể chuyển biến nặng nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, nếu cứ thấy trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi mà cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh, thì chắc chắn sẽ gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc".
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận bệnh nhân B.T.H. (22 tuổi ở tỉnh Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiểu buốt. Trước đó khoảng một tuần, khi xuất hiện tình trạng sốt cao, rét run, đau tức hố thắt lưng lan xuống hạ vị phải, bệnh nhân H. đã đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 5 ngày. Thế nhưng, sau khi uống thuốc được 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt tăng, rét run nhiều, đau đầu, buồn nôn, nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Tại đây, sau khi khám và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Bùi Văn Hải, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh nhân H. bị viêm bể thận do Ecoli. Nguyên nhân, do trước đây, bệnh nhân này tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị, dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, khiến vi khuẩn nhờn thuốc với nhiều loại kháng sinh, khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.
Kiểm soát chặt việc bán thuốc theo đơn
Để tránh những hậu quả đáng tiếc khi tái sử dụng đơn thuốc, bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu trung ương) khuyến cáo, mỗi đơn thuốc chỉ để điều trị bệnh ở thời điểm đó. Ngay cả đối với bệnh mạn tính, dù là bệnh cũ tái phát, nhưng ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới. Hơn nữa, thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ. Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác cho cơ thể. Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi, cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi (Bệnh viện Da liễu trung ương) khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Trang Thu
Còn theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hậu quả của việc tái sử dụng đơn thuốc không chỉ “nhãn tiền”, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe.
"Hiện vấn đề kháng thuốc kháng sinh là vấn đề trầm trọng và được cảnh báo là nguy cơ lớn thứ 2, sau biến đổi khí hậu. Hằng năm trên thế giới có gần 1 triệu người tử vong do kháng thuốc, chi phí cho kháng thuốc rất cao. Việt Nam cũng là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc trầm trọng. Nếu cứ sử dụng thuốc tùy tiện, nhất là thuốc kháng sinh, thì trong tương lai không xa, bệnh đơn giản cũng khiến con người tử vong nhanh hơn cả ung thư" - ông Cao Hưng Thái nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại nhiều nước, các dược sĩ không bán thuốc cho những đơn thuốc kê trước đó từ 3 tháng đến 6 tháng. Thế nhưng, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, người dân sử dụng đơn thuốc cũ hoặc không cần trình đơn thuốc cũng dễ dàng mua được thuốc, ở bất cứ hiệu thuốc nào. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường kiểm tra hoạt động kết nối mạng, cập nhật cơ sở dữ liệu của các nhà thuốc, quầy thuốc. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm bán thuốc không theo đơn, bán thuốc không đúng đơn thuốc, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm.
“Khi bị bệnh người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Trần Văn Chung lưu ý.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tai-su-dung-don-thuoc-hiem-hoa-khon-luong-a2461.html