Lợi ích cho nhiều bên
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm như gạo, thịt gia súc và gia cầm, thủy - hải sản... Đặc biệt, sức tiêu thụ trong dịp lễ, Tết luôn tăng 5-21% so với thời điểm khác, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được 30-60% nhu cầu của người dân.
Để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp một số lượng đáng kể nông sản an toàn cho thị trường Hà Nội và các địa phương. Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá cao hiệu quả khi tham gia vào chuỗi nông sản an toàn, ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, hiện đơn vị cung cấp rất nhiều sản phẩm rau, củ, quả an toàn vào hai hệ thống siêu thị Big C và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội. Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (xã Yên Phú, tỉnh Hưng Yên), nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, hiệu quả, nên sản lượng của hợp tác xã liên tục gia tăng. Hiện, bình quân mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 1-1,5 tấn rau, củ sạch các loại cho những siêu thị như Big C, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco…
Vừa chọn mua rau, quả ở gian hàng nông sản tại siêu thị Big C Thăng Long, bà Phan Thị Hà (phòng 1204, chung cư 24T1, phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi thường mua các sản phẩm, nhất là nông sản an toàn của các tỉnh Sơn La, Hưng Yên tại siêu thị Big C Thăng Long. Những sản phẩm này ăn rất ngon, mẫu mã đẹp, lại có tem truy xuất nguồn gốc nên rất yên tâm”.
Theo bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, không chỉ tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các hợp tác xã, VinEco còn hỗ trợ sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, mẫu mã do đơn vị đặt ra.
Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm
Trên thực tế, dù nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng Thủ đô rất lớn, song các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lại đang gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, hiện tư duy thị trường đối với nông dân vẫn còn mờ nhạt. Thậm chí nhiều người không muốn mở rộng thị trường vì sợ không đủ nông sản cung ứng. Việc dán nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng. Trong khi đó, hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể… là những nơi tiêu thụ và sử dụng lượng lớn sản phẩm nông nghiệp mà nông sản hữu cơ, sạch, an toàn cần hướng đến.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là Hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản an toàn thành phố Hà Nội năm 2019 diễn ra ngày 13-9 vừa qua tại Hà Nội, do trung tâm phối hợp với Dự án Tăng cường độ phân phối sản phẩm nông sản an toàn (JICA Safe Crop, Nhật Bản) tổ chức.
Đây là cơ hội cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trao đổi, chia sẻ, liên kết hợp tác; tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố có cơ hội tiếp cận, gặp gỡ, liên kết hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản... Quan trọng hơn, đây còn là cơ hội giúp người tiêu dùng có dịp tiếp cận với sản phẩm chất lượng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín.
Ông Mitsuru Nanakubo, Tư vấn trưởng Nhóm Dự án hợp tác kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ, với sự hỗ trợ của JICA Safe Crop, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố đã xây dựng và phát triển trang web nông sản an toàn Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn) nhằm kết nối, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có uy tín giới thiệu các sản phẩm nông sản, hàng hóa an toàn chất lượng, rõ nguồn gốc tới người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay đã có gần 300 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các chuỗi liên kết của Hà Nội và các tỉnh tham gia; gần 400.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin kết nối...
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Đặc biệt, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Hà Nội Mới
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ha-noi-phat-trien-chuoi-cung-ung-nong-san-an-toan-a2411.html