Tiền thật, chất lượng... ảo
Phản ánh đến Báo Hànộimới, chị Nguyễn Hoàng Lan, chung cư Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: Đầu tháng 7-2019, chị liên hệ với các khách sạn ở gần biển Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) cho gia đình đi nghỉ mát nhưng đều được thông báo đã kín phòng. Sau khi liên hệ được với “Hội những người thích đi du lịch” trên Facebook, trong đó có một tài khoản đăng muốn nhượng lại phòng khách sạn ở Quảng Bình với giá rẻ, chị Lan không ngần ngại chuyển khoản toàn bộ 7 triệu đồng để đặt phòng. Tuy nhiên, khi gia đình chị đến nơi thì không tồn tại khách sạn này, liên lạc với người bán hàng thì không được.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hằng, số 299 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã đặt phòng khách sạn qua tài khoản Facebook có tên Kiều Trang. Trên tài khoản này đã đưa hình ảnh khách sạn đẹp tại tỉnh Hà Tĩnh, hướng biển với giá 1,5 triệu đồng/phòng/đêm. Theo lịch hẹn, chị Hằng cùng gia đình đến khách sạn tên Golden thì mới tá hỏa cơ sở vật chất nơi này quá cũ kỹ, không như ảnh chụp đăng trên mạng xã hội. Đáng nói, phòng ngủ đặt quảng cáo hướng biển nhưng thực chất là hướng... nghĩa trang.
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thùy Trang, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình đặt một villa 3 phòng ngủ ở Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) qua tài khoản Facebook có tên Hương Dương, số điện thoại 028.7779527. Qua liên lạc, Hương Dương giới thiệu làm việc tại Công ty Du lịch Viettravel, do công ty giữ nhiều phòng nên có giá tốt là 9 triệu đồng cho villa đó. Sau khi giao dịch, chị Trang đã chuyển khoản 9 triệu đồng cho Hương Dương. Nhưng chờ đợi nhiều ngày không thấy phản hồi gì nên chị Trang gọi cho số máy điện thoại kể trên và gọi đến công ty thì đều báo đường dây bận. Chị tiếp tục gọi đến tổng đài 1080 nhờ kiểm tra thì số điện thoại này không có thông tin gì.
Khách hàng cần tỉnh táo
Trên đây mới chỉ là 3 trong số rất nhiều khách hàng bị lừa đảo thông qua đặt phòng khách sạn trực tuyến. Nguyên nhân chính là người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm rõ thông tin về trang web, tài khoản Facebook, thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty trước khi tiến hành giao dịch, cũng không kiểm tra xem công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh hay chưa...
Du khách cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi đặt phòng khách sạn trực tuyến. Ảnh: Sơn Hà
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực hàng không, đặt khách sạn chiếm tỷ lệ khoảng 0,8% tổng số khiếu nại gửi đến đơn vị. Vì vậy, Cục khuyến khích người tiêu dùng nên thực hiện quyền khiếu nại nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, người tiêu dùng có thể tìm sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; các cơ quan quản lý ngành thương mại điện tử, du lịch, vận tải…; Sở Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Xu hướng du lịch hiện nay là các khách hàng chủ động từ khâu tìm điểm đến, tìm tour, khách sạn, đồng thời có thể đăng bình luận, xếp hạng cho khách sạn. Tuy nhiên, cho đến nay việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng phòng khách sạn, dịch vụ du lịch so với rao bán trực tuyến của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa sát sao. Vì vậy, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần quan tâm đến các giải pháp về chiến lược tiếp thị số, thanh toán điện tử, bảo hiểm trực tuyến cũng như vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, an toàn dữ liệu, ảnh hưởng của mạng xã hội và nền kinh tế…
Thực tế cho thấy, tình trạng lừa đảo thông qua mua bán phòng khách sạn trực tuyến đang diễn biến phức tạp nhưng đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ cũng như việc xử lý của cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa ra một lộ trình cụ thể, tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, bán voucher (một dạng phiếu mua hàng) khách sạn qua hình thức trực tuyến để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Ngoài ra, người tiêu dùng lưu ý trước khi đặt phòng khách sạn trực tuyến, cần tìm hiểu kỹ về sàn thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, dịch vụ định mua, điều kiện và hợp đồng mua bán. Đặc biệt, người tiêu dùng cần lưu ý giữ các bằng chứng giao dịch như hóa đơn, chứng từ, email trao đổi, tài liệu quảng cáo… Đó sẽ là những bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nếu tranh chấp phát sinh.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cao nhất đối với cá nhân có hành vi lừa dối khách hàng đặt phòng trực tuyến là 20 triệu đồng và phạt gấp đôi đối với tổ chức. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù. |
Kim Vũ/ HNMO
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/dat-phong-khach-san-truc-tuyen-can-trong-truoc-chieu-tro-tinh-vi-a2275.html