Nguyễn Quang tâm sự, từ lúc 7 - 8 tuổi, anh đã là người đầu tiên được nghe những nốt nhạc do cha sáng tác. Nguyễn Ánh 9 có thói quen đánh đàn mỗi sáng, ông đàn nhiều để tìm những nốt nhạc hay nhất cho ca khúc dù không ai biết ông đàn bài gì. “Cha tôi đàn cho mẹ nghe để bà góp ý lời nhạc, hai người thường tranh luận về âm nhạc. Cuộc sống mỗi ngày trong nhà giúp tôi hiểu thấu từng chữ, từng câu, cách đánh đàn của cha. Nhạc Nguyễn Ánh 9 không có cao trào giằng xé vì đó là bản tính của ông, dù có buồn có uất ức nhưng ông vẫn nuốt vào lòng. Trước khi ca sĩ hát thì cha đã đàn ca khúc ấy cả trăm lần”, anh nói.
Khi MC Minh Đức chia sẻ về việc từng nghe nhiều câu chuyện liên quan đến những mối tình của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, con trai ông khẳng định người mà cha dành nhiều tình cảm nhất vẫn là mẹ. Nguyễn Quang tiết lộ thời trẻ, mẹ của anh cũng là diễn viên múa nhưng sau đó từ giã sân khấu để chăm lo gia đình. Bà cũng là nguồn cảm hứng để Nguyễn Ánh 9 viết nhiều ca khúc như Chuyện hai người, Màu tím tình yêu...
Nguyễn Quang trải lòng về hành trình nghệ thuật của cha trên sóng truyền hình |
“Khánh Ly là người đầu tiên gợi cảm hứng sáng tác cho cha. Bài hát đầu tiên mang tên Không, được ông ngẫu hứng với cây đàn guitar trong một lần sang Nhật Bản biểu diễn. Khánh Ly là người được Nguyễn Ánh 9 đệm đàn ngay từ chặng đường đầu tiên và bà cũng là người đầu tiên đem đến mối duyên cho ông với con đường sáng tác. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những người bạn. Còn trong âm nhạc Nguyễn Ánh 9, các bóng hồng chỉ thấp thoáng, không có quá nhiều và người yêu thật sự của ông chính là cây đàn piano”, Nguyễn Quang kể.
Nguyễn Quang cho biết thêm, cuộc đời cha anh gắn liền với cây piano, khắp các góc nhà, từ chiếc gạc tàn thuốc, đến móc treo quần áo, vật dụng đều là hình piano do tự tay ông mua. “3 tháng trước ngày ông mất, liveshow cuối cùng của Nguyễn Ánh 9 ở Hà Nội, sau các tiết mục, ông rất mệt và ngồi trong sân khấu. Lúc ấy, tôi hỏi cha có đủ sức để tiếp tục không, hoặc tôi thay ông đệm đàn nhưng ông bảo vẫn ổn. Sau đó, ông đó bước ra sân khấu độc tấu piano đến tận 3 bài, khán giả càng vỗ tay thì ông đánh càng hăng say”, anh nhớ lại
Nguyễn Quang thừa nhận, từ lần đầu tiên ngồi bên cây piano trong lòng cha, anh đã “hấp thụ” tình yêu với nghệ thuật và chưa bao giờ đặt mục tiêu phải giỏi hay hơn cha. “Ai chơi piano sẽ hiểu được tâm kiếm hợp nhất, tâm và ngón tay để xuống đàn phải là một. Tôi chưa làm được, chỉ thỉnh thoảng khi nào có cảm xúc mới đánh được như vậy. Việc so sánh giữa hai cha con rất chênh lệch và tôi chưa bao giờ áp lực khi là con trai của Nguyễn Ánh 9. Tôi đã có một cây cao bóng cả che chở cho mình từ khi ra đời”, Nguyễn Quang tâm sự.
Thanh Hằng