
Ảnh minh họa
Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố 8 biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ nông dân trồng nhãn tại 8 tỉnh phía Bắc, trong bối cảnh sản lượng nhãn năm 2025 được dự báo đạt mức kỷ lục 1,06 triệu tấn – tăng mạnh so với 947.140 tấn của năm trước. Sản lượng gia tăng phần lớn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, kéo theo áp lực tiêu thụ hơn 950.000 tấn nhãn tươi trong mùa thu hoạch chính.
Các tỉnh được triển khai hỗ trợ bao gồm Chiang Mai, Lamphun, Chiang Rai, Phayao, Lampang, Tak, Phrae và Nan. Theo đó, Thái Lan sẽ điều phối xuất khẩu nhãn tươi ra thị trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua Lễ hội Trái cây Thái Lan 2025. Bộ Thương mại đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Makro, Lotus và Big C để thu mua trực tiếp từ nông dân, đồng thời khuyến khích hệ thống đặt hàng trước gắn với các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR).
Cùng với đó, bao bì tiêu chuẩn sẽ được cung cấp phối hợp với Bưu điện Thái Lan nhằm tối ưu hóa khâu phân phối. Chính phủ cũng đang mở rộng hợp tác với các cơ sở chế biến nhãn khô và nhóm nông dân, phân phối nhãn tại các trạm xăng dưới dạng quà tặng, đồng thời khai thác các kênh phân phối sáng tạo như máy bán nước ép tự động "Flying Turtle" hay thực đơn đồ uống trên các chuyến bay của Thai Air Asia.
Để giảm áp lực thị trường, Chính phủ Thái Lan cam kết phân bổ 1 tỷ baht hỗ trợ nông dân trồng nhãn. Gói hỗ trợ bao gồm mức chi 1.400 baht/rai, tối đa 10 rai/hộ, nhằm đối phó với tình trạng dư cung và giá nhãn giảm sâu.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Atthakorn Sirilatthayakorn cho biết, chính phủ đang đề xuất một dự án nâng cao chất lượng nhãn. Dự án này sẽ hỗ trợ nông dân 1.000 baht/rai cho việc tỉa cành và 400 baht/rai cho vật tư, nhằm khuyến khích sản xuất nhãn chất lượng cao (loại AA).
Ngoài ra, ba nhóm giải pháp khác cũng đang được triển khai:
1. Hỗ trợ tín dụng: Một chương trình cho vay không lãi suất sẽ được giới thiệu để hỗ trợ mua nhãn sấy và phục vụ chế biến, hướng đến cộng đồng nông nghiệp, hợp tác xã và các nhà sản xuất quy mô lớn. Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) sẽ giữ vai trò then chốt trong việc cải thiện thanh khoản cho các cơ sở chế biến và xuất khẩu.
2. Phân phối sản phẩm: Nhãn tươi sẽ được phân phối thông qua các hợp tác xã, công ty đại chúng, doanh nghiệp vận tải và các điểm bán lẻ ở khu vực đô thị, nông thôn và điểm du lịch. Đồng thời, Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ tiêu thụ nhãn tại các trường học trên cả nước.
3. Hỗ trợ lao động thu hoạch: Chính phủ đang phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo nguồn lao động cho giai đoạn thu hoạch cao điểm, tránh tình trạng thiếu hụt nhân công khi sản lượng lớn đổ dồn ra thị trường cùng lúc.
Ông Peerapan Khothong, Tổng Cục trưởng Cục Khuyến nông Thái Lan, nhận định các biện pháp lần này không chỉ nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn góp phần tái cấu trúc ngành nhãn theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và xây dựng hệ thống tiêu thụ bền vững.
Hiện tại, giá nhãn tại vườn đã giảm liên tục, từ mức 20 baht/kg vào tuần trước xuống còn 12 baht/kg tính đến ngày 21/7/2025, với mức giảm trung bình 2 baht mỗi ngày. Nếu giá giảm xuống dưới 10 baht/kg, nhiều hộ nông dân sẽ không đủ trang trải chi phí, nhất là trong bối cảnh phần lớn chi phí tập trung vào khâu thu hoạch.
Nguyên nhân chính được cho là do nguồn cung tăng đột biến, trong khi một số cơ sở chế biến lớn tạm dừng thu mua hoặc siết chặt hạn ngạch tiếp nhận với lý do vượt quá công suất sấy khô. Chính quyền Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm các hướng đi linh hoạt và bền vững để giải quyết bài toán cung vượt cầu, đảm bảo ổn định sinh kế cho người trồng nhãn.