Không còn thành phố, biển báo chỉ về đâu?

Theo quy định, trên các tuyến cao tốc, quốc lộ phải có biển chỉ dẫn về thành phố hoặc trung tâm huyện. Nay cấp huyện và thành phố thuộc tỉnh không còn, việc đặt biển chỉ dẫn này chưa có hành lang pháp lý để thực hiện…

Chưa có hành lang pháp lý

Như Tiền Phong đưa tin, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan quản lý đường bộ (bao gồm Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), Sở Xây dựng, Khu quản lý đường bộ…) phối hợp với địa phương để tích cực cập nhật, thay đổi nội dung các biển I.419 (điều chỉnh tên đơn vị hành chính và khoảng cách) phù hợp với thực tế hành chính mới. Việc điều chỉnh biển chỉ dẫn địa giới hành chính ở các địa phương có sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính phải hoàn thành trước ngày 15/7.

Tuy nhiên, việc triển khai việc này xuất hiện nhiều khó khăn cả về thực tiễn lẫn quy định pháp luật. Chẳng hạn, trên các quốc lộ và cao tốc đang tồn tại các biển chỉ dẫn về các thành phố thuộc các tỉnh. Nay thành phố được chia thành các xã, phường, nếu thay các biển chỉ dẫn vào xã phường nào đó sẽ không đủ tính đại diện. Nhưng nếu giữ nguyên thì không còn phù hợp…

Về pháp lý, thực hiện việc này cũng đang gặp vướng mắc. Theo đó, sau khi nhận được yêu cầu của Cục Đường bộ nêu trên, VEC vừa yêu cầu các nhà thầu khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống biển chỉ dẫn địa giới hành chính trên các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, trong đó có tuyến Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo văn bản này, các nhà thầu đang quản lý, bảo trì các tuyến cao tốc phải thực hiện kiểm tra hiện trường, rà soát đầy đủ số lượng, vị trí, khối lượng biển báo chỉ dẫn địa giới hành chính, cụ thể là biển số I.419a (biển chỉ dẫn ranh giới cấp tỉnh) và biển số I.419b (biển chỉ dẫn ranh giới cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT (quy chuẩn về báo hiệu đường bộ).

Cụ thể, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT chỉ quy định biển chỉ dẫn ranh giới cấp tỉnh (I.419a) và cấp huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh (I.419b). Khi không còn cấp huyện/thị xã, các ranh giới này sẽ chia trực tiếp về cấp xã, phường nhưng không có biển chỉ dẫn ranh giới xã/phường trên các tuyến cao tốc, quốc lộ theo quy định hiện hành.

Do đó, việc gắn biển mới cho ranh giới xã/phường chỉ có thể thực hiện khi có văn bản hướng dẫn bổ sung của Bộ Xây dựng hoặc sửa đổi quy chuẩn.

Cân nhắc giữ lại biển các địa danh nổi tiếng

Hiện nay, các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai nhưng cũng gặp không ít lúng túng. Ví dụ, Lào Cai và Yên Bái đã sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sáp nhập kéo theo những thay đổi về tên gọi, ranh giới quản lý hành chính, đòi hỏi hệ thống biển báo giao thông phải được rà soát, điều chỉnh đồng bộ.

Theo quy chuẩn hiện hành, biển I.419a được đặt tại vị trí tiếp giáp giữa hai đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do đó, các biển ghi “Địa phận tỉnh Yên Bái” hoặc “Địa phận tỉnh Lào Cai” trước đây sẽ được thay thế bằng biển mới thể hiện tên tỉnh mới sau sáp nhập là “Địa phận tỉnh Lào Cai”.

Không còn thành phố, biển báo chỉ về đâu?- Ảnh 1.

Với biển I.419b, hiện nay trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang tồn tại các biển chỉ dẫn ranh giới như “Thành phố Yên Bái”, “Trung tâm TP Lào Cai”, “Thị xã Sa Pa”... Từ 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai đồng bộ, bỏ cấp huyện/thị xã, chia trực tiếp về các phường, xã thì theo quy chuẩn hiện hành, loại biển này sẽ không còn căn cứ pháp lý để duy trì.

Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai Phí Công Hoan cho biết, Sở đang rà soát biển chỉ dẫn địa giới hành chính trên địa bàn. Trước mắt, lực lượng chức năng tháo dỡ biển báo giữa hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Trên cơ sở hướng dẫn tỉnh sẽ tổ chức cắm biển mới. Đối với những trung tâm du lịch nổi tiếng như thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, Sở sẽ cho cắm biển địa danh Sa Pa, Bắc Hà...

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát, tổng hợp toàn bộ hệ thống biển báo bị ảnh hưởng sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Một số địa phương đã chủ động thay đổi biển báo, đặc biệt là các biển chỉ dẫn liên quan đến tên xã, phường mới sau sáp nhập.

“Các biển báo điện tử như cổng chào “Thành phố Hà Giang” đã được điều chỉnh theo tên gọi mới, như “Phường Hà Giang 1”, “Phường Hà Giang 2”. Một số biển mang yếu tố lịch sử, văn hóa thì tỉnh đang lên kế hoạch và thống nhất phương án trước khi điều chỉnh”, ông Đức cho biết.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khong-con-thanh-pho-bien-bao-chi-ve-dau-a143891.html