Một quốc gia vừa phát hiện mỏ quặng sắt siêu khổng lồ - Đủ cho thế giới khai thác trong 22 năm, trị giá ước tính 6.000 tỷ USD

Phát hiện mới về trữ lượng quặng sắt lên tới 55 tỷ tấn tại Tây Úc không chỉ đưa khu vực này trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới, mà còn có thể làm thay đổi cán cân thương mại và giá cả toàn cầu. Các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc đang dõi theo sát sao diễn biến mới này.

Một quốc gia vừa phát hiện mỏ quặng sắt siêu khổng lồ - Đủ cho thế giới khai thác trong 22 năm, trị giá ước tính 6.000 tỷ USD- Ảnh 1.

Nguồn tài nguyên quặng sắt dồi dào, cùng với phát hiện mới về mỏ trữ lượng lên tới 55 tỷ tấn sẽ đưa Tây Úc trở thành nhà cung cấp quặng sắt hàng đầu thế giới. Để so sánh, sản lượng khai thác quặng sắt toàn cầu những năm gần đây duy trì ở mức 2,5-2,6 tỷ tấn/năm, theo USGS (Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ). Như vậy, mỏ quặng sắt mới phát hiện tại Tây Úc có thể đủ cho toàn thế giới khai thác trong 22 năm.

Trữ lượng mới được xác định tại khu vực Hamersley được định giá khoảng 6.000 tỷ USD và đang tạo ra những biến động lớn trên thị trường toàn cầu. Giới chuyên gia dự đoán sẽ có làn sóng đầu tư mới từ các quốc gia sản xuất thép lớn, nhằm đảm bảo tiếp cận nguồn tài nguyên chiến lược này.

Đây được xem là tín hiệu tích cực với Tây Úc, hứa hẹn làn sóng mở rộng hạ tầng lớn bao gồm khai thác mỏ, hệ thống vận tải và nâng cấp cảng. Đáng chú ý, quặng tại khu vực này có hàm lượng sắt trên 60%, rất phù hợp cho các mục đích công nghiệp.

Là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện nhập hơn 65% quặng sắt từ Úc. Với phát hiện mới này, giới phân tích kỳ vọng giá quặng sắt có thể ổn định hơn trong dài hạn, đồng thời giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhỏ hơn.

Với hàng loạt phát hiện và khoản đầu tư quy mô lớn, các chuyên gia phân tích kỳ vọng sẽ có sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều quốc gia muốn đa dạng hóa nguồn cung có thể chuyển hướng sang Úc, giảm sự phụ thuộc vào Brazil hay châu Phi. Việc tăng xuất khẩu từ Tây Úc cũng có thể kéo giá quặng sắt toàn cầu giảm, mang lại lợi ích lớn cho các ngành như xây dựng và ô tô, đồng thời khẳng định vai trò dẫn đầu của Úc trong ngành khai khoáng.

Theo MetalMiner, quặng sắt từ lâu đã là trụ cột của nền kinh tế Úc. Từ năm 2005, doanh thu quốc gia từ mặt hàng này đã tăng mạnh từ 5,2 tỷ USD (8 tỷ AUD) lên tới 80,7 tỷ USD (124 tỷ AUD). Tuy nhiên, với xu hướng công nghiệp xanh, Úc cũng đang đứng trước thách thức phải nâng cấp quy trình khai thác và tinh luyện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về quặng chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Dù từng có thời điểm căng thẳng khi Trung Quốc đóng băng đối thoại kinh tế với Úc, do quan hệ giữa Canberra và các nước phương Tây ngày càng khăng khít, đặc biệt là Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn không thể từ bỏ nguồn quặng sắt từ Úc. Hiện nay, Brazil là nguồn cung lớn thứ hai, chiếm khoảng 18% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc.

Về lâu dài, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tự chủ nguồn cung, khai thác các mỏ trong nước, nhưng thực tế là quặng nội địa có chất lượng thấp hơn nhiều so với của Úc. Vì vậy, sự phụ thuộc vào quặng sắt Úc – cả về sản lượng và chất lượng – sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt trong chiến lược công nghiệp của Trung Quốc thời gian tới.


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/mot-quoc-gia-vua-phat-hien-mo-quang-sat-sieu-khong-lo-du-cho-the-gioi-khai-thac-trong-22-nam-tri-gia-uoc-tinh-6000-ty-usd-a142806.html