Điện hạt nhân không còn gây tranh cãi ở châu Âu?

Việc Berlin quyết định từ bỏ sự phản đối lâu nay của mình đối với điện hạt nhân tại EU là một bước ngoặt lớn đối với Đức, nước đã đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng của mình chỉ 2 năm trước.

Chính phủ mới của Thủ tướng Friedrich Merz vừa từ bỏ sự phản đối lâu nay của Đức đối với điện hạt nhân tại EU. Điều đó nghĩa là Berlin sẽ ngừng ngăn cản những nỗ lực của Pháp nhằm coi năng lượng hạt nhân ngang bằng với năng lượng tái tạo.

Thông tin trên được tờ Financial Times (Anh) đưa hồi đầu tuần, dẫn nguồn các quan chức Đức và Pháp hiểu biết về vấn đề.

Pháp phụ thuộc vào điện hạt nhân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với khoảng 70% điện năng của quốc gia Tây Âu đến từ 56 lò phản ứng hạt nhân trên khắp đất nước.

Việc Berlin quyết định từ bỏ sự phản đối lâu nay của mình đối với điện hạt nhân tại EU là một bước ngoặt lớn đối với Đức, nước đã đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của mình chỉ 2 năm trước.

Đồng thời động thái này cũng giải quyết được cuộc tranh cãi âm ỉ kéo dài trong chính sách năng lượng của EU, củng cố chủ quyền năng lượng của khối và giúp châu Âu tiếp tục giảm bớt phụ thuộc vào Nga về năng lượng.

Điện hạt nhân không còn gây tranh cãi ở châu Âu?- Ảnh 1.

Hơi nước bốc lên từ một lò phản ứng hạt nhân. Ảnh: DW

Trước đây, Đức – cùng với Áo, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Hà Lan – trong nhiều năm đã phản đối việc phân loại năng lượng hạt nhân là "bền vững" ở cấp độ EU. Do đó, năng lượng hạt nhân không được đưa vào danh sách hoạt động kinh tế bền vững trong Phân loại tài chính bền vững của EU.

Hệ thống phân loại này được thiết kế để hướng dẫn các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh tế phù hợp với các mục tiêu về khí hậu và môi trường của EU. Theo đó, đầu tư vào điện hạt nhân đã bị luật pháp EU hạn chế.

Sự thay đổi chính sách từ Berlin là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Thủ tướng Merz nhằm tăng cường hợp tác giữa Pháp và Đức. Ông hy vọng mối quan hệ chặt chẽ hơn này cũng có thể chứng kiến Đức tham gia "lá chắn hạt nhân" của Pháp như một biện pháp răn đe trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ở châu Âu.

Một lập trường ủng hộ hạt nhân mới từ Đức đã mở ra con đường khiến các khoản đầu tư vào điện hạt nhân trở nên hấp dẫn hơn – một tin tức khiến những người ủng hộ năng lượng hạt nhân phấn khích.

Ông Björn Peters, một cố vấn năng lượng, gọi động thái này là "một sự thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân của Đức".

Đáng chú ý, động thái của Đức đánh dấu sự thay đổi mới nhất trong một loạt các chính sách ủng hộ hạt nhân tại các quốc gia thành viên EU.

Tuần trước, quốc hội Đan Mạch đã bỏ phiếu bãi bỏ lệnh cấm năng lượng hạt nhân kéo dài 40 năm tại quốc gia Bắc Âu này. Bỉ gần đây cũng tuyên bố chấm dứt giai đoạn loại bỏ hạt nhân của mình.

Tại Tây Ban Nha, các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân cho biết họ sẽ duy trì hoạt động của các nhà máy lâu hơn – gia tăng áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Pedro Sánchez phải từ bỏ việc loại bỏ dần điện hạt nhân của đất nước.

Điều này nghĩa là hiện chỉ còn lại Áo là thành trì cuối cùng của chính sách chống hạt nhân tại EU.

Tuy nhiên, trong khi lập trường chính thức của Đức về điện hạt nhân tại EU đã thay đổi, không có dấu hiệu nào cho thấy Thủ tướng Merz có kế hoạch tái kích hoạt bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào của nước này.

Các nhà máy này đã bị đóng cửa, và trong một số trường hợp đã bị phá hủy một phần kể từ khi cựu Thủ tướng Angela Merkel đột ngột tuyên bố chấm dứt điện hạt nhân tại Đức vào năm 2011.

Vào thời điểm đó, ông Merz đã chỉ trích việc loại bỏ dần điện hạt nhân. Tuy nhiên, đầu năm nay, vị chính trị gia bảo thủ cho biết việc tái kích hoạt một số nhà máy của Đức "rất có thể sẽ không khả thi".

Thỏa thuận liên minh CDU-SPD đưa ông Merz lên nắm quyền từ đầu tháng này cũng không đề cập đến các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng, áp lực phục hồi điện hạt nhân ở Đức đang gia tăng.

Vào ngày 22/5, các tổ chức ủng hộ hạt nhân sẽ tổ chức một hội nghị tại Berlin, với mục đích đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự chính trị. Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Đức cũng muốn quay trở lại với năng lượng hạt nhân.

Minh Đức (Theo Brussels Signal, Energy Central)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khi gã khổng lồ xe điện không còn chỉ sản xuất xe điệnKhi gã khổng lồ xe điện không còn chỉ sản xuất xe điện
Tham khảo thêm
Bước đi đầu tiên mở đường cho điện hạt nhân trở lại quốc gia Bắc ÂuBước đi đầu tiên mở đường cho điện hạt nhân trở lại quốc gia Bắc Âu

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/dien-hat-nhan-khong-con-gay-tranh-cai-o-chau-au-a138616.html