Chính phủ Đan Mạch sẽ xem xét lại lệnh cấm đã áp đặt trong 40 năm qua đối với nhà máy điện hạt nhân bằng một nghiên cứu chi tiết về các rủi ro và tiềm năng của công nghệ hạt nhân đối với nguồn cung điện của đất nước.
Thông tin trên được Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Lars Aagaard đưa ra khi phát biểu trước quốc hội đầu tuần này, báo Politiken đưa tin.
Nghiên cứu mà ông Aagaard đề cập sẽ kéo dài khoảng một năm, và có thể là bước đi đầu tiên hướng tới việc dỡ bỏ lệnh cấm điện hạt nhân được áp dụng ở quốc gia vùng Scandinavia này từ tháng 3/1985.
Lệnh cấm đã được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả sít sao tại Quốc hội Đan Mạch, nhằm loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân khỏi các kế hoạch năng lượng trong tương lai của đất nước.
Vào thời điểm đó, một liên minh cánh tả đã giành lợi thế trong cuộc bỏ phiếu, đánh bại liên minh cầm quyền trung hữu ủng hộ hạt nhân. Lệnh này cũng cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Đan Mạch.
Ảnh minh hoạ.
Trong bối cảnh các lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là sau sự cố mất điện diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hồi tháng trước, ông Aagaard cho biết đất nước ông không thể chỉ dựa vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Do Đan Mạch đã không vận hành nhà máy điện hạt nhân trong nhiều thập kỷ, chính phủ sẽ nghiên cứu tiềm năng và tác động xã hội của các công nghệ hạt nhân hiện đại, với báo cáo dự kiến sẽ được công bố vào năm tới.
Trọng tâm sẽ là các lò phản ứng module nhỏ (SMR), một thế hệ công nghệ hạt nhân mới hơn. Bộ trưởng Aagaard nhấn mạnh rằng Đan Mạch vẫn chưa xác định được liệu SMR có thực sự an toàn hay chất thải hạt nhân sẽ được xử lý như thế nào.
"Các cơ quan chức năng của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng nếu có sự cố xảy ra chưa? Câu trả lời là chưa, nhưng chúng ta cần có kiến thức đó", ông nói.
Sau lệnh cấm điện hạt nhân vào năm 1985, Đan Mạch đã mở rộng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhanh chóng trở thành cường quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Đan Mạch có một trong những tỉ lệ năng lượng tái tạo cao nhất trong cơ cấu điện của mình tại châu Âu nhờ các trang trại điện gió ngoài khơi rộng lớn dọc theo bờ biển của mình.
Hiện, hơn 80% điện năng của quốc gia Bắc Âu đến từ các nguồn tái tạo như gió, mặt trời và sinh khối. Nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt tự nhiên chiếm một phần nhỏ hơn.
Quốc gia này cũng đảm bảo nguồn điện thông qua các kết nối lưới điện với Thụy Điển và Na Uy, nơi nguồn cung cấp điện chủ yếu là thủy điện và trong trường hợp của Thụy Điển là năng lượng hạt nhân.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm từ năm 1985 sẽ đưa Đan Mạch vào nhóm ngày càng nhiều quốc gia đang tìm đến năng lượng hạt nhân để giúp cân bằng các nguồn tái tạo trong cơ cấu điện của họ.
Ví dụ, chính phủ cánh hữu ở nước Thụy Điển láng giềng đang cố gắng khôi phục năng lượng hạt nhân tại quốc gia này, nơi vẫn còn 3 nhà máy đang hoạt động, sau những cuộc tranh luận lớn về việc đóng cửa chúng kể từ sự cố Three Mile Island ở Mỹ năm 1979.
Minh Đức (Theo Reccessary, FT)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/buoc-di-dau-tien-mo-duong-cho-dien-hat-nhan-tro-lai-quoc-gia-bac-au-a138172.html