Láng giềng mua chè xanh Việt Nam nhiều nhất nhưng chỉ trả giá bằng 1/3 Sri Lanka, 1/6 Nhật Bản

Chè Việt sang thị trường này với lượng xuất khẩu tương đối lớn, nhưng giá trị lại khá thấp.

Láng giềng mua chè xanh Việt Nam nhiều nhất nhưng chỉ trả giá bằng 1/3 Sri Lanka, 1/6 Nhật Bản- Ảnh 1.

Theo Bản tin Thị trường Nông lâm thủy sản của Bộ Công Thương mới đây, trong 3 tháng đầu năm, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu chè từ 22 thị trường. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,89 nghìn tấn, trị giá 4,55 triệu USD.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Đài Loan, chiếm 50%.

Chè đen là chủng loại chiếm phần lớn trong tổng nhập khẩu chè vào thị trường Đài Loan. Mặc dù nhập khẩu chủng loại này của thị trường Đài Loan trong 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 2,1% về lượng và tăng 3,5% về trị giá.

Về chè xanh, Việt Nam và Nhật Bản là 2 thị trường cung cấp chủ yếu chè xanh cho thị trường Đài Loan, chiếm khoảng 93,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu của thị trường Đài Loan.

Trong đó, tính theo lượng, Việt Nam là thị trường cung cấp nhiều nhất, nhưng lượng nhập khẩu có xu hướng giảm, từ mức thị phần 70,4% trong 3 tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 65,9% trong 3 tháng đầu năm 2025. Ngược lại, thị phần chè xanh nhập khẩu từ Nhật Bản tăng từ mức 25,5% lên 27,5%.

Theo Bản tin, giá bình quân chè Việt Nam khoảng 1.577 USD/tấn, trong khi Sri Lanka là 4.591 USD/tấn, Nhật Bản là 9.375 USD/tấn. Giá chè Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong 10 nguồn cung chè lớn nhất cho thị trường Đài Loan trong 3 tháng đầu năm.

Láng giềng mua chè xanh Việt Nam nhiều nhất nhưng chỉ trả giá bằng 1/3 Sri Lanka, 1/6 Nhật Bản- Ảnh 2.

Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan, với lượng xuất khẩu tương đối lớn, nhưng giá trị lại khá thấp. Nguyên liệu chè của Việt Nam tốt, chè Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Đài Loan chủ yếu dùng trong chế biến thực phẩm có sử dụng nguyên liệu chè như trà sữa, bột matcha (trà xay)... Vì vậy, chè Việt Nam nhập vào thị trường Đài Loan thường được đóng bao lớn, loại trên 3kg/bao.

Trong khi đó, chè từ nhiều nước khác như Nhật Bản, Sri Lanka … nhập vào thị trường Đài Loan chủ yếu được đóng túi nhỏ, đóng hộp, bày bán tại các cửa hàng chuyên bán chè, để bán cho người tiêu dùng mua về pha chè uống hàng ngày hoặc làm quà tặng.

"Do đó doanh nghiệp chè Việt Nam cần có sự đột phá hơn nữa trong việc xuất khẩu chè với sự đa dạng hóa các sản phẩm chè. Ngoài các loại chè hiện nay, nên xem xét đầu tư sản xuất các loại khác như chè túi, chè cốc...", Bản tin Bộ Công thương khuyến nghị.

Ngoài ra, chất lượng chè cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Đài Loan. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, cơ hội cho chè Việt Nam tại thị trường này rất lớn.

Theo khảo sát của người tiêu dùng Đài Loan khi mua chè, họ quan tâm đến bao bì, thông tin sản xuất, quy trình sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt chú ý đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có 66,4% những người được hỏi sẽ mua chè qua giới thiệu bạn bè, người thân, 75% sẽ mua chè nếu có nhà sản xuất, bán hàng rõ ràng...

"Điều này cho thấy, người tiêu dùng rất quan tâm tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc quảng bá chè có chất lượng cao, xác minh nguồn gốc, chất lượng chè an toàn... là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý", bản tin khuyến nghị.


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lang-gieng-mua-che-xanh-viet-nam-nhieu-nhat-nhung-chi-tra-gia-bang-13-sri-lanka-16-nhat-ban-a137909.html