Mỹ, Hàn Quốc phát hiện 'kho báu' sâu 4000m ngoài khơi Việt Nam: 'Ba ông lớn' hành động ngay!

Dự kiến, "kho báu" này sẽ được khai thác ngay trong năm 2025.

Ngày 8/5/2025, Tập đoàn dầu khí Mỹ Murphy Oil và Công ty SK Earthon của Hàn Quốc thông báo đã phát hiện thêm dầu thô ngoài khơi Việt Nam.

Tập đoàn dầu khí Mỹ Murphy Oil tìm thấy dầu thô tại giếng Lạc Đà Hồng-1X (Pink Camel), thuộc Lô 15-1/05 ở bể Cửu Long, cách bờ biển Việt Nam 55 km, Tạp chí Oil & Gas Journal thông tin.

Trong quá trình thăm dò của Murphy Oil tại giếng này, họ đã phát hiện cột dầu dày 32 mét ở độ sâu 4.100 mét.

Tập đoàn Mỹ đánh giá, dầu thô mà họ vừa tìm được giếng Lạc Đà Hồng-1X của Việt Nam là loại dầu thô chất lượng cao, với sản lượng thử nghiệm lên đến 2.500 thùng mỗi ngày, cùng trữ lượng tiềm năng ước tính 30-60 triệu thùng.

Mỹ, Hàn Quốc phát hiện 'kho báu' sâu 4000m ngoài khơi Việt Nam: 'Ba ông lớn' hành động ngay!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Murphy Oil

Công ty Hàn Quốc SK Earthon cũng tìm thấy "mỏ vàng đen" này là tại giếng Lạc Đà Hồng-1X, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam.

Tính từ đầu năm đến nay, SK Earthon đã thành công 2 lần trong việc tìm thấy dầu thô ở Việt Nam. Lần thứ nhất công ty tìm thấy dầu thô là tại Lô 15-2/17 ở bể Cửu Long vào tháng 1/2025.

Sau phát hiện này, phía Việt Nam, SK Earthon và Murphy Oil lên kế hoạch khai thác dầu thô ngay trong năm 2025. Liên doanh khai thác gồm: Murphy Oil (40%), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) của Việt Nam (35%), SK Earthon (25%).

Dầu thô chất lượng cao là gì?

Chuyên gia nhận định, dầu thô Việt Nam nhìn chung được coi là nhẹ và ngọt: Với tỷ trọng API từ 35 đến 40 độ; và hàm lượng lưu huỳnh thấp. Điều này làm cho nó phù hợp để sản xuất xăng và dầu diesel chất lượng cao. Những đặc điểm này cho thấy đây là dầu thô chất lượng cao. 

Mỹ, Hàn Quốc phát hiện 'kho báu' sâu 4000m ngoài khơi Việt Nam: 'Ba ông lớn' hành động ngay!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa về dầu. Nguồn: Adobe Stock

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dầu thô chất lượng cao được đặc trưng bởi mật độ thấp (dầu nhẹ) và hàm lượng lưu huỳnh thấp (dầu ngọt). 

Vì vậy, dầu thô vừa nhẹ vừa ngọt dễ lọc hơn, giúp việc tinh chế dễ dàng và ít tốn kém hơn. Và hai phẩm chất này tạo nên chuẩn mực cho các loại dầu cao cấp. Những đặc điểm này dẫn đến giá mỗi thùng cao hơn trên thị trường quốc tế.

- Dầu nhẹ liên quan đến tỷ trọng API. Phép đo tỷ trọng dầu tiêu chuẩn dựa trên tỷ trọng của Viện Dầu khí Mỹ (API). Với các con số nằm trong khoảng từ 10 đến 70, dầu càng nhẹ thì số tỷ trọng API càng cao.

- Còn thuật ngữ "ngọt" thì sao? Nó không ám chỉ đến hương vị mà ám chỉ hàm lượng lưu huỳnh trong dầu thô, và ngưỡng là 0,5%. Hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5% được coi là chua; thấp hơn 0,5% được coi là ngọt. Dầu càng ngọt thì càng dễ tinh chế thành xăng và các sản phẩm từ dầu mỏ khác.

Nguồn: Tập đoàn Charles Schwab - công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ.

 

EIA phân tích thêm, có nhiều loại dầu thô được sản xuất trên toàn thế giới. Giá trị thị trường của một dòng dầu thô riêng lẻ phản ánh các đặc điểm chất lượng của nó. Hai trong số các đặc điểm chất lượng quan trọng nhất là mật độ và hàm lượng lưu huỳnh. Mật độ dao động từ nhẹ đến nặng; trong khi hàm lượng lưu huỳnh được đặc trưng là ngọt hoặc chua. Dầu thô nhẹ và ngọt thường có giá cao hơn dầu thô nặng, chua.

Chế biến dầu thô chất lượng cao giúp giảm chi phí và tác động môi trường

Về mặt kinh tế, dầu thô nhẹ và ngọt (Light sweet crude oil) giúp tiết kiệm chi phí đáng kể trong quá trình sản xuất. Quá trình tinh chế dầu này đơn giản hơn, không đòi hỏi các công nghệ phức tạp như cracking (phá vỡ phân tử) hay desulfurization (khử lưu huỳnh). 

Điều này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà máy lọc dầu. Hơn nữa, hàm lượng lưu huỳnh thấp giúp giảm thiểu sự ăn mòn thiết bị, kéo dài tuổi thọ máy móc và hạ thấp chi phí bảo trì. 

Về mặt môi trường, dầu thô nhẹ và ngọt giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể trong quá trình lọc dầu. Do chứa nhiều hydrocarbon nhẹ, việc tinh chế dầu này đòi hỏi ít năng lượng hơn, từ đó giảm lượng khí thải CO2 – một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, hàm lượng lưu huỳnh thấp trong dầu ngọt giúp hạn chế phát thải khí SOx (sulfur oxide), bảo vệ chất lượng không khí và giảm nguy cơ mưa axit, một vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Các sản phẩm từ dầu nhẹ, ngọt như xăng và diesel cũng đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt như Euro 5 và Euro 6. Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu từ loại dầu này sẽ thải ra ít khí độc hại hơn, góp phần cải thiện môi trường đô thị và sức khỏe cộng đồng.


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/my-han-quoc-phat-hien-kho-bau-sau-4000m-ngoai-khoi-viet-nam-ba-ong-lon-hanh-dong-ngay-a137832.html