Bước tiến đáng kinh ngạc ở cánh đồng lúa cực Nam thế giới

Lúa gạo – loại cây nổi tiếng “khát nước” và là cây lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới – đang phát triển tốt tươi trên một cánh đồng khô cằn ở Chile.

Chile, một quốc gia Nam Mỹ với khí hậu khô lạnh, có lẽ không phải là nơi lý tưởng để trồng lúa gạo, một loại cây vốn nổi tiếng cần nhiều nước và phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt đới.

Điều đáng kinh ngạc là, loại cây lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới đang phát triển tốt tươi trên một cánh đồng khô cằn ở Niquen, một đô thị ở vùng Nuble, cách thủ đô Santiago, Chile 400 km (249 dặm).

Ở đó, lúa đang được canh tác theo phương pháp hoàn toàn không điển hình, không cần sử dụng nhiều nước.

Ông Guillermo Muñoz, 66 tuổi, người bắt đầu làm ruộng từ khi còn nhỏ, chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống như vậy. "Nếu bạn không nhìn thấy, bạn sẽ không tin", ông nói.

Loại lúa này, loại lúa ở cánh đồng cực Nam thế giới, không phải là một phép màu của thiên nhiên, mà là một đổi mới sáng tạo do các chuyên gia tại Chương trình lai tạo giống lúa của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Chile (INIA) tạo ra: Giống lúa chịu hạn "Jaspe".

Nó cũng là một trong nhiều nỗ lực nghiên cứu trên toàn cầu nhằm tạo ra các loại cây trồng ít tốn tài nguyên hơn trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nước gia tăng ở nhiều nơi do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Bước tiến đáng kinh ngạc ở cánh đồng lúa cực Nam thế giới- Ảnh 1.

Nông dân làm việc với lúa mẫu trên một cánh đồng lúa thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Chile (INIA) ở San Carlos, vùng Nuble, Chile. Ảnh: RTE

Anh Javier Munoz, 25 tuổi, đã thử nghiệm giống lúa "Jaspe" tại trang trại của mình ở Nuble, kết hợp với một kỹ thuật trồng trọt sáng tạo, bao gồm việc tưới nước gián đoạn, theo đó đã cắt giảm một nửa lượng nước cần thiết cho việc tưới tiêu.

Đồng thời, giống lúa mới còn cho năng suất tăng vọt lên gần gấp 10 lần so với một cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống.

Việc tưới tiêu thay vì ngập nước các cánh đồng lúa "là một bước tiến lịch sử… hướng tới tương lai", anh Munoz nói với AFP, cho biết rằng anh hy vọng sẽ tăng diện tích sản xuất của mình từ 1 hectare lên 5 hectare vào năm tới.

Chile không phải là nước sản xuất lúa gạo lớn, chỉ có khoảng 20 hectare nằm tập trung ở các vùng Maule và Nuble – nơi có những cánh đồng lúa cực Nam nhất trên thế giới.

Mỗi người Chile tiêu thụ trung bình 10 kg gạo mỗi năm, với gần một nửa trong số đó được sản xuất trong nước và 80% trong số đó được trồng trên các cánh đồng ngập nước, theo Trung tâm nghiên cứu SRI-Rice tại Đại học Cornell (Mỹ).

Phương pháp ngập nước, cần khoảng 2.500 lít nước cho mỗi kg lúa, được sử dụng trên khắp thế giới để chống cỏ dại và điều chỉnh nhiệt độ xung quanh những cây non dễ bị tổn thương.

Việc canh tác loại cây nhiệt đới ưa nước này ở Chile ngày càng trở nên khó khăn khi đất nước đang đối mặt với đợt hạn hán lớn chưa từng có, hiện đã bước sang năm thứ 15, và do biến đổi khí hậu, theo các nhà khoa học.

Trong bối cảnh này, sự ra đời của giống lúa chịu hạn "Jaspe" mở ra triển vọng rằng lúa gạo có thể được trồng trong những điều kiện khắc nghiệt.

"Jaspe" được kỹ sư nông nghiệp Karla Cordero – người đứng đầu chương trình cải tiến lúa di truyền của INIA từ năm 2006 – và các đồng nghiệp tạo ra bằng cách lai giống Chile với giống Nga thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh và khô.

Sau đó, hạt giống biến đổi được trồng bằng kỹ thuật trồng trọt SRI được phát triển tại Madagascar vào những năm 1980, bao gồm việc trồng các cây con cách xa nhau hơn trong đất giàu dinh dưỡng và chỉ tưới nước không thường xuyên để xây dựng hệ thống rễ khỏe mạnh hơn.

Bà Cordero đã lần đầu tiên trình bày kết quả của gần 20 năm thử nghiệm – được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Hợp tác Nông nghiệp Liên Mỹ (IICA) – tại Hội nghị Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Manila (Philippines) vào năm 2023.

Những phát hiện này vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học có bình duyệt, nhưng Cục Nông nghiệp và Chăn nuôi Chile thuộc Bộ Nông nghiệp Chile, đã "bật đèn xanh" vào năm 2023 để đưa giống lúa trắng hạt dài mới này ra thị trường.

Ngoài việc sử dụng ít nước và ít hạt giống hơn, phương pháp Jaspe-SRI mới còn thải ra ít khí methane hơn, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh vốn được biết đến nhiều hơn do gia súc tạo ra.

Giống lúa "Jaspe" đã chứng minh được khả năng chống chịu bão, lũ lụt và nắng nóng tốt hơn. "Cây trồng khỏe hơn nhiều, cho phép sản xuất lúa mà không bị ngập lụt", bà Cordero cho biết.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vị chuyên gia cũng tin rằng châu Á, nơi sản xuất lượng lớn nhất loại cây trồng này, phải rời khỏi "vùng an toàn" của mình và thử các công thức đa dạng hóa khác. "Chúng ta nên biết rằng độc canh là con đường dẫn đến thất bại và thua lỗ", bà cảnh báo.

Khuê Đào (Theo Digital Journal, El Pais)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Lockheed Martin mất vệ tinh thử nghiệm sau sự cố bất thườngLockheed Martin mất vệ tinh thử nghiệm sau sự cố bất thường
Tham khảo thêm
Khai thác năng lượng mặt trời theo cách hoàn toàn mới bằng công nghệ “thay đổi cuộc chơi”Khai thác năng lượng mặt trời theo cách hoàn toàn mới bằng công nghệ “thay đổi cuộc chơi”

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/buoc-tien-dang-kinh-ngac-o-canh-dong-lua-cuc-nam-the-gioi-a136773.html