Xử lý nghiêm nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

(Chinhphu.vn) - Những người nổi tiếng nói riêng và những người tham gia quảng cáo nói chung khi nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo sản phẩm của các nhãn hàng phải kiểm tra kỹ về các giấy phép liên quan, về nội dung, kịch bản quảng cáo có vượt ra ngoài công dụng, tính năng thành phần của sản phẩm đó hay không để tránh vi phạm.

Xử lý nghiêm nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Bắc phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Chiều nay (21/4), tại buổi họp báo quý I/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, một trong những vấn đề được các nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm đó là vấn đề xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật đều chịu trách nhiệm trước pháp luật

Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, quan điểm của Cục NTBD luôn nhất quán với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đó là dù là bất kỳ là ai, là nghệ sĩ hay người nổi tiếng đều phải tuân thủ theo nguyên tắc quản lý và quy định của pháp luật như mọi công dân khác.

"Bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật đều chịu trách nhiệm trước pháp luật, tất nhiên nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ có những tác động tới xã hội ở mức độ khác, tuy nhiên chúng ta đã có những quy định pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi vi phạm như trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì ai vi phạm ở đâu, mức độ nào sẽ bị xử lý ở mức độ đấy. Dù là nghệ sĩ, người nổi tiếng hay bất kỳ ai cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình", Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc cho biết, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để hướng những người hoạt động nghệ thuật có những nhận thức, hành xử, hành vi đúng đắn. Tuy nhiên với Bộ Quy tắc này chúng ta không có chế tài để xử phạt. Trong năm 2024, Cục NTBD đã phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL tiến hành kiểm tra vi phạm đối với những trường hợp có hành vi vi phạm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ban hành ngày14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và đã có thông báo, nhắc nhở.

Cùng quan điểm với Cục trưởng Cục NTBD, ông Lê Quang Tự Do-Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, cũng giống như Bộ Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTTDL, trước đây Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Tuy nhiên Bộ Quy tắc ứng xử này không phải là quy định pháp luật, không có tính chất bắt buộc và kèm theo chế tài. Vì vậy, sẽ không xử lý theo bộ quy tắc ứng xử này.

"Tuy nhiên, sau một thời gian chúng tôi nhận thấy Bộ Quy tắc ứng xử không kèm chế tài thì không có tính răn đe. Vì vậy, Bộ TT&TT đã thể chế một số nội dung trong Bộ Quy tắc ứng xử này trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và hiện nay đã đề xuất thể chế hóa một số nội dung vào trong Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đang chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 5/2025. Chúng tôi sẽ tiếp tục thể chế hóa về các hoạt động tổ chức biểu diễn như vậy từ đó mới có hình thức, chế tài xử phạt", ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Xử lý nghiêm nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật- Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do-Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, vẫn cần Bộ Quy tắc ứng xử bởi nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ngoài những quy định "cứng" vẫn có những quy định "mềm", đó là các quy tắc ứng xử để từ đó tạo ra môi trường văn hóa và dùng quy tắc ứng xử để các khán giả, những người thụ hưởng hoạt động nghệ thuật biểu diễn bày tỏ chính kiến của mình đối với nghệ sĩ vi phạm thông qua các hành động như "tẩy chay", không ủng hộ những nghệ sĩ có hành vi thiếu chuẩn mực. Họ tuy chưa bị xử phạt nhưng có vi phạm những quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội. Trước đó, Bộ TT&TT cùng với Bộ VHTTDL đã xây dựng thêm quy chế hạn chế sự xuất hiện hình ảnh trên báo chí, trên không gian mạng và trên sân khấu đối với những nghệ sĩ vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử. Tuy nhiên quy chế đó mới được ban hành vào cuối năm 2024, hiện chưa triển khai trường hợp nào, nhưng dự kiến sắp tới sẽ làm điểm một vài trường hợp có thể liên quan đến vi phạm quảng cáo.

Đối với vấn nghệ sĩ quảng cáo sai và chỉ xin lỗi là xong, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho rằng, lời xin lỗi của nghệ sĩ hay của bất kỳ ai làm sai đều rất cần thiết. Chúng ta khuyến khích mọi người khi làm sai phải nhận lỗi và xin lỗi. Tuy nhiên, xin lỗi không là không đủ mà phải khắc phục lỗi mình đã gây ra bằng hai hình thức đồng thời, thứ nhất là tự giác khắc phục, thứ hai là phải chấp hành xử phạt nghiêm túc và không tái phạm.

Cần 'hồi chuông' cảnh báo nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian qua, khi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xử lý tình trạng quảng cáo sai sự thật cho thấy, vấn đề này cần được nêu rõ thêm để tránh hiểu nhầm. Thứ nhất, Bộ quản lý chuyên ngành phải có trách nhiệm thẩm định, xác định và kết luận sai phạm đối với các hàng hóa vi phạm; ví dụ đối với sữa giả, thuốc giả... Bộ Y tế hay Bộ Công thương phải kết luận đó là hàng giả. Thứ hai, về Bộ VHTTDL khi đã có kết luận là hàng giả, hàng vi phạm sau đó Bộ sẽ xử lý và trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã làm đúng như vậy. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Thứ ba, khi xử lý các hành vi quảng cáo vi phạm, trong các quy định pháp luật không có hành vi riêng đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng, do vậy, Bộ VHTTDL xử lý trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành là áp dụng chung. Dự kiến trong Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) trình Quốc hội sắp tới sẽ bổ sung một số nội dung liên quan đến người nổi tiếng.

Thứ tư, trong quá trình xử lý chúng tôi thấy các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi làm việc với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử có nhận thức, hiểu biết về quảng cáo các sản phẩm rất yếu. Đây là hồi chuông rất cần các cơ quan báo chí cảnh báo.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết, nghệ sĩ, người nổi tiếng nhận hợp đồng, ký kết hợp đồng nhưng không quan tâm nhiều đến nội dung đối tác đưa có đúng, có phù hợp hay không, ít nghệ sĩ kiểm tra lại dẫn đến dễ vi phạm pháp luật.

Ông Lê Quang Tự Do dẫn chứng việc phải xử lý trường hợp Quang Linh Vlog là rất đáng tiếc, bởi trường hợp này thiếu hiểu biết pháp luật về quảng cáo, thậm chí còn góp vốn mở công ty sản xuất kẹo Kera dẫn đến bị xử lý hình sự. Nếu Quang Linh Vlog hiểu biết pháp luật hơn thì sẽ tránh được hậu quả đau lòng như vậy.

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Tự Do cho biết, một số nghệ sĩ, người nổi tiếng vừa hiểu biết pháp luật chưa cao nhưng với tính nghệ sĩ khi đối tác đưa nội dung, nhờ nói thêm, thường biến tấu cao hơn với nội dung không có trong kịch bản... Mặt khác, còn có quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng và giá của sản phẩm hàng hóa. Điển hình mới đây là quảng cáo kẹo rau củ Kera đã bị xử phạt. Một số trường hợp người nổi tiếng lại dựa trên kinh nghiệm của cá nhân để quảng cáo sản phẩm nhưng đánh đồng với tất cả những người khác giống mình.

Một hình thức mà nghệ sĩ, người nổi tiếng hay mắc phải đó là hợp tác với các công ty, doanh nghiệp như hợp tác sản xuất, làm gương mặt đại diện được các công ty, nhãn hàng trả bằng cổ phần, cổ phiếu, góp vốn... Từ đó, vô tình trở thành đồng sản xuất, nếu như mặt hàng đó bị cơ quan chức năng kết luận là giả sẽ phạm tội sản xuất hàng giả.

Xử lý nghiêm nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền-Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Thông tin thêm về trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng bị xử lý vì vi phạm quảng cáo sai sự thật, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền-Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong thời gian vừa qua Cục đã tiếp nhận phản ánh từ các cơ quan báo chí về một số cá nhân là người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội các loại sữa, các sản phẩm dinh dưỡng vượt ra ngoài công dụng và tính năng thành phần của sản phẩm, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra, xác minh các hành vi quảng cáo vi phạm.

Cụ thể, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp và xử lý 2 trường hợp là MC-BTV Quang Minh và MC Vân Hugo quảng cáo sữa Hiup. Trong quá trình xác minh, hai MC đã cung cấp tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng cho thấy đã có hành vi quảng cáo không đúng với các nội dung sản phẩm đã được công bố. Ví dụ MC Vân Hugo quảng cáo nếu uống sữa Hiup trong vòng 3-6 tháng sẽ tăng được 3-5cm chiều cao, tuy nhiên không có tài liệu nào chứng minh sản phẩm đó uống trong vòng 3-6 tháng tăng được 3-5cm chiều cao và không có tài liệu nào chứng minh hiệu quả của sản phẩm này.

Bà Thanh Huyền cho biết, đó là những vi phạm phổ biến, trong đó có quảng cáo vượt quá công dụng gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này những người nổi tiếng nói riêng và những người tham gia quảng cáo nói chung đều phải rút kinh nghiệm khi nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào của các nhãn hàng phải kiểm tra kỹ về các giấy phép liên quan, về nội dung, kịch bản quảng cáo có vượt ra ngoài công dụng, tính năng thành phần của sản phẩm đó hay không. Ví dụ MC-BTV Quang Minh quảng cáo sản phẩm thành phần không có trong công bố của sữa đó, vi phạm quy định quảng cáo.

Theo bà Thanh Huyền, đây là những vi phạm khá phổ biến. Sau buổi làm việc ngày 18/4 mới đây với MC-BTV Quang Minh và MC Vân Hugo, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã lập biên bản xử lý và phạt MC-BTV Quang Minh 37,5 triệu đồng với hai hành vi quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định vi phạm tại điểm a-khoản 2 và điểm a-khoản 4, điều 52 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Với MC Vân Hugo vi phạm quy định quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm, với mức phạt là 70 triệu đồng, vi phạm tại khoản 5, điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Diệp Anh




Link nội dung: https://saigonmoi24.com/xu-ly-nghiem-nghe-si-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-a135652.html