Tổ đoàn kết trên biển tương trợ ngư dân trong sản xuất - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Đang chuẩn bị lưới cụ cho chuyến biển mới, thuyền trưởng Nguyễn Bình (thành viên Tổ đoàn kết Thắng Lợi), phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, chia sẻ: Hiện mỗi chuyến vươn khơi, tàu của ông thường xuất phát cùng với 11 tàu khác trong tổ đoàn kết. Ngoài việc tương trợ, cứu hộ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, các thành viên còn thường xuyên liên lạc khi phát hiện luồng cá để cùng hợp tác đánh bắt.
"Đi theo tổ đội thì chỉ cách nhau 3–5 hải lý thôi, tàu ai cũng bật máy bộ đàm liên lạc tầm xa ICOM 24/24 để theo dõi, nắm chắc vị trí của nhau, kề vai sát cánh trong lúc hoạn nạn, nguy khó. Chính điều đó giúp chúng tôi thêm tự tin, có chỗ dựa vững chắc khi vươn khơi, phát triển kinh tế", ông Bình chia sẻ.
Ngư dân Đặng Thành Vĩnh, Tổ đoàn kết Thành Đạt, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cho hay: Đoàn kết chính là yếu tố tiên quyết khi hành nghề trên biển. Trong quá trình vươn khơi khai thác dài ngày, ngư dân luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, như thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, thậm chí hỏng máy, phá nước. Nếu đơn độc thì rất khó xử lý giữa trùng khơi. Nhưng từ khi có tổ, anh em bạn thuyền có nơi tương trợ, tự tin hơn trong mỗi chuyến đi biển.
"Ngoài hỗ trợ nhau trong khai thác, tổ còn nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, nhất là khi tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài thì được các tàu khác cảnh báo ngay", ông Vĩnh cho biết.
Ngư dân miền Trung chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại Quảng Ngãi, ngư dân Nguyễn Văn Leo, chủ tàu cá trú tại thôn Định Tân 2, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tham gia tổ đoàn kết sản xuất lưới vây từ năm 2017. Tổ của ông có 5 tàu cá chuyên hành nghề lưới vây tại vùng biển Trường Sa. Nhờ tương trợ trong sản xuất nên những năm qua, các tàu trong tổ luôn đạt lợi nhuận cao, thu nhập bạn thuyền khoảng 170 triệu đồng/người/năm.
"Không chỉ hỗ trợ nhau trong sản xuất, mỗi chuyến vươn khơi mọi người còn nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật, đặc biệt là về chống khai thác IUU. Do đó, nhiều năm nay, không có tàu nào trong tổ bị phạt do tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc vượt ranh giới vùng biển nước ngoài", ông Leo nói.
Tổ đoàn kết lưới vây Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là điểm sáng về tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển của ngư dân ven biển. Hiện tổ có 12 tàu chuyên hành nghề lưới vây rút chì và lưới rê. Tổ đã đặt ra quy ước: Trong quá trình khai thác, bất cứ tàu nào gặp sự cố sẽ được tàu gần nhất trong tổ lai dắt vào bờ. Chi phí sẽ được chi trả từ quỹ của tổ.
"Bên cạnh đó, 10 tàu còn lại đánh bắt được bao nhiêu cá trong thời gian 2 tàu kia vào bờ thì sẽ cộng sản lượng lại và chia đều cho cả 12 tàu. Nhờ vậy, anh em ngày càng đoàn kết hơn, tàu gặp nạn cũng không bị mất trắng sau chuyến biển", ngư dân Ngô Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ đoàn kết lưới vây Phổ Quang chia sẻ.
"Trước khi vươn khơi, các tàu trong tổ đội chúng tôi luôn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, trở về cập cảng thì nộp nhật ký khai thác đúng quy định. Chúng tôi tin tưởng, việc tuân thủ chống khai thác IUU cũng là góp phần cùng đất nước bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài", ông Phong chia sẻ.
Các lực lượng động viên ngư dân vươn khơi, bám biển, tuân thủ chống khai thác IUU - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hiện các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên cơ sở cùng địa phương, ngành nghề, ngư trường... Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau, ngư dân miền Trung đã mạnh dạn vươn khơi ở những ngư trường xa bờ, chuyến biển kéo dài hơn; đồng thời tích cực tham gia chống khai thác IUU.
Ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Thủy sản TP. Đà Nẵng cho biết, địa phương đã thành lập 94 tổ đoàn kết với 680 tàu cá tham gia (vùng khơi 85 tổ với 575 tàu; vùng lộng và ven bờ 9 tổ với 105 tàu). Việc khai thác hải sản theo tổ đội được ngư dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần giúp hoạt động khai thác chuyển biến tích cực.
Ông Võ Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Các tổ đoàn kết đã hỗ trợ nhau hiệu quả trong vươn khơi, góp phần tăng sản lượng, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, mô hình còn tạo hiệu ứng tích cực trong việc tuân thủ quy định chống khai thác IUU.
"Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương nhân rộng mô hình tổ đoàn kết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho chủ tàu và ngư dân ký cam kết tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản", ông Hải nói.
Lưu Hương
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/to-doan-ket-tren-bien-giup-ngu-dan-yen-tam-vuon-khoi-chong-khai-thac-iuu-a135163.html