Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?

Theo Nghị quyết số 60 ngày 12/4 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, cả nước sẽ còn 34 tỉnh thành, điều này đồng nghĩa với việc sau sáp nhập nhiều địa phương sẽ sở hữu đến 2 sân bay với quy mô "khủng".

TPHCM

Theo Nghị quyết số 60, Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM hợp nhất thành TPHCM. Như vậy, TPHCM sẽ sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lưỡng dụng cấp 4E lớn nhất Việt Nam (trước khi sân bay Long Thành ở Đồng Nai hoàn thành), có tổng diện tích quy hoạch là 1.500 ha và công suất phục vụ hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm. Ngày 17/4, khi nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, với công suất 20 triệu hành khách/năm thì tổng công suất của sân bay này sẽ đạt 50 triệu hành khách mỗi năm.

Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?- Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TPHCM. Ảnh: ACV.

Sân bay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là sân bay nội địa cấp 3C và có diện tích quy hoạch gần 182ha, chỉ khai thác ban ngày với năng lực phục vụ 400.000 hành khách /năm. Đến năm 2030, sân bay Côn Đảo được quy hoạch có công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất 3 triệu hành khách/năm.

Đà Nẵng

Sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng mới sẽ sở hữu sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai. Trong đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng có diện tích quy hoạch 1.300 ha, là sân bay lưỡng dụng cấp 4E và hiện có công suất 10 triệu hành khách mỗi năm. Đến năm 2030, sân bay quốc tế Đà Nẵng dự kiến đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và đạt 30 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?- Ảnh 2.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). Ảnh: ACV.

Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) là sân bay lưỡng dụng nội địa, có diện tích quy hoạch hơn 2.000 ha và hiện đạt công suất 1,7 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay Chu Lai được định hướng là sân bay quốc tế với quy mô cấp 4F và dự kiến công suất đạt khoảng 10 triệu khách/năm vào năm 2030, đến năm 2050 đạt 30 triệu hành khách/năm.

Gia Lai

Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Định, tỉnh Gia Lai mới sẽ có 2 sân bay là sân bay quốc tế Phù Cát và sân bay Pleiku.

Sân bay quốc tế Phù Cát (Bình Định) là sân bay lưỡng dụng cấp 4C, diện tích quy hoạch gần 949 ha và hiện có công suất 2,5 triệu khách một năm. Thời kỳ 2021 - 2030 sân bay quốc tế Phù Cát được quy hoạch nâng công suất lên 5 triệu hành khách và đạt 7 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?- Ảnh 3.

Sân bay quốc tế Phù Cát. Ảnh: ACV.

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai còn sở hữu sân bay Pleiku - sân bay nội địa cấp 4C, có diện tích quy hoạch hơn 383ha và hiện đang đáp ứng công suất 600.000 hành khách/năm. Theo đề xuất, trong giai đoạn 2021 - 2030 thì sân bay Pleiku có công suất 4 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 5 triệu hành khách/năm.

An Giang

Sau khi hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang thì địa phương mới sẽ sở hữu hai sân bay là sân bay quốc tế Phú Quốc và sân bay Kiên Giang.

Sân bay Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện là sân bay quốc tế cấp 4E, có công suất thiết kế 4 triệu khách/năm, trong đó 3 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên tính đến năm ngoái, sân bay quốc tế Phú Quốc đã phục vụ vượt công suất khi đón gần 2 triệu khách quốc tế (gấp đôi công suất thiết kế - PV).

Theo quy hoạch dự kiến của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), đến năm 2030 sân bay quốc tế Phú Quốc có diện tích 1.000ha và đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 công suất tăng lên 18 triệu hành khách/năm.

Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?- Ảnh 4.

Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cần hơn 1.000 ha. Ảnh: VPQ.

Sân bay Rạch Giá là sân bay nội địa cấp 4C, có diện tích quy hoạch đến năm 2030 là 200ha. Hiện tại sân bay này có công suất phục vụ khoảng 300.000 hành khách mỗi năm, đến năm 2030 đáp ứng công suất khoảng 500.000 hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm.

Đắk Lắk

Đối với tỉnh Đắk Lắk mới (hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên) sẽ có 2 sân bay là Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa.

Sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) là sân bay nội địa lưỡng dụng cấp 4C, có công suất 300.000 hành khách/năm nhưng hiện tại sản lượng hành khách đã tăng gần gấp đôi công suất dự kiến. Theo quy hoạch của Cục HKVN, đến năm 2030 sân bay Tuy Hòa sẽ có công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 5 triệu hành khách/năm.

Tỉnh thành nào có 2 sân bay sau sáp nhập?- Ảnh 5.

Sân bay Tuy Hòa. Ảnh: Báo Giao thông.

Sân bay Buôn Ma Thuột là sân bay nội địa có diện tích quy hoạch đến năm 2030 là hơn 518ha. Hiện tại sân bay này có công suất khoảng 2 triệu khách mỗi năm. Theo quy hoạch thì đến năm 2030 sân bay Buôn Ma Thuột có công suất 5 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm.

Bộ Xây dựng vừa điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 648 (ngày 7/6/2023) của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2030 cần khoảng 24.240 ha để phát triển hệ thống cảng hàng không Việt Nam với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 440.000 tỷ đồng.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tinh-thanh-nao-co-2-san-bay-sau-sap-nhap-a135042.html