Có lẽ chuyện học thêm chẳng lạ lẫm gì với nhiều người, từ phụ huynh cho đến học sinh, ngay cả những đứa trẻ chưa vào lớp 1 đã bị nhồi nhét những kiến thức "vượt cấp", nhiều cuộc tranh luận về việc có nên hay không việc dạy thêm, học thêm, những ý kiến trái chiều được đưa ra để phân tích…nhưng câu trả lời vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Chưa ai khẳng định được học thêm có lợi hay có hại nhưng những lí do thì có thể nhìn nhận được, chúng ta thường nghe chia sẻ của những thí sinh thủ khoa về việc chỉ tự học ở nhà và không đi học thêm, nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đúng, nó chỉ đúng với những "nhân tài kiệt xuất" còn ở giữa vẫn có rất nhiều thí sinh không có được sự "kiệt xuất" như vậy. Vậy học thêm có những lợi ích và tác hại gì? Học thêm như thế nào? Và ai là đối tượng cần phải học thêm?
Học thêm hay học "vượt"
Học thêm ngay từ khi còn bé, nó không đơn thuần là củng cố kiến thức mà thận chí là "vượt" kiến thức. Những đứa trẻ chưa vào lớp 1 đã đọc viết và giải toán thành thạo, những cô cậu vừa bước chân vào lớp 10 đã "giải đề đại học", vậy những kiến thức ấy ở đâu? Tất cả là chúng được học từ những lớp học thêm mà những phụ huynh cố nhồi nhét theo kiểu "học càng nhiều càng tốt". Chúng ta nói qua như thế để thấy được rằng nó thực sự là một vấn đề nhức nhối và đi ngược hoàn toàn với khoa học.
Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng và đưa ra một khung đào tạo chuẩn phù hợp với học sinh Việt Nam, phân chia ra các cấp bậc học rất rõ ràng và đào tạo đúng với nhu cầu của xã hội. Vậy tại sao lại phải đi học thêm, trong khi đã có chương trình học trên lớp và lượng bài tập về nhà cũng "chất đống" như núi. Nhiều người thường nói rằng lí do học thêm ở trên lớp không có đủ thời gian để truyền tải kiến thức cho các em, vậy điều này là chương trình đào tạo sai hay giáo viên chưa đáp ứng được?
Trở lại câu chuyện học thêm, vậy lớp học thêm khác lớp học "thường" như thế nào, có hay chăng đó là sự học vượt. Một lớp học thêm trung bình từ 40 đến 50 em, không thể dạy theo kiểu thiếu đâu lấp đó được mà chỉ có cách là dạy lại những kiến thức ở lớp và dạy vượt chương trình. Tâm lí phụ huynh hay học sinh cũng đều muốn học vượt, học cho nhanh để mà "giải đề" hay học trước lên lớp đỡ phải học. Cái lợi trước mắt ấy mới đáng lo, thử hỏi được bao nhiêu lớp học thêm dạy song song với chương trình, đại đa số đều là dạy trước và có lẽ câu nói "cầm đèn chạy trước ô-tô" là phù hợp nhất cho một bộ phận lớp dạy thêm hiện nay.
"Thi như thế nào thì phải học như thế ấy"
Đây được xem là mấu chốt của vấn đề dạy thêm, học thêm. Chương trình học một đường, nhưng thi cử lại ra một nẻo, thế mới có chuyện học sinh lớp 12 đa số đều "học lệch". Vậy học "lệch" là gì ? Đơn giản là học theo tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ vì đó là đích đến cuối cùng mà nhiều học sinh mong ước. Bởi vậy học sinh năm cuối cấp thường chẳng mấy mặn mà với các môn "ngoài thi" hay có cái kiểu "ai thi môn gì thì học môn nấy".
Sự chênh lệch ấy là tiền đề cho việc học thêm một cách tràn lan như hiện nay, những môn có trong tổ hợp xét tuyển buộc thí sinh phải đầu tư nhiều hơn và quả thật nếu chỉ học trên lớp thì chắc chắn là không đủ. Nên nếu như bạn nào chịu khó học hỏi thì có thể nghiên cứu ở nhà hoặc chọn cho mình con đường học thêm. Cách nào cũng có những ưu điểm riêng của nó, cũng vì lí do buộc phải học "lệch" như thế mới sinh ra câu chuyện nan giải như bây giờ.
Vậy có nên hay không việc học thêm
Câu trả lời ngắn gọn là: Có, tuy nhiên học thêm ở đâu, học như thế nào và cần bao nhiêu thời gian cho việc đến các lớp học thêm lại tùy vào bản thân của mỗi người. Điều đầu tiên là phải chọn cho mình một lớp học thêm phù hợp với khả năng học cũng như điều kiện về kinh tế. Bạn nên thử đánh giá xem mình hổng kiến thức ở chỗ nào, và môn nào mình còn yếu để chọn lựa lớp học.
Điều thứ 2 là về thời gian, tùy vào lượng kiến thức mà bạn cho rằng mình còn chưa vững để chọn thời gian biểu cho việc học, song song với học thêm là thời gian tự học tại nhà để cũng cố thêm kiến thức cho môn học đó.
Điều thứ 3 là bạn hãy học thử và xem nó có hiệu quả hay không? Cách tốt nhất là bạn nên thử cả 2 phương pháp tự học và học thêm thì ắt sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Vậy học thêm bạn sẽ có được kiến thức, nếu như chưa hiểu chỗ nào bạn có thể hỏi và đây là cách học "bắt buộc" (nếu như bạn cho rằng bản thân mình thường không tập trung cho việc học), đổi lại điều bạn mất sẽ là thời gian và tiền bạc.
Thời gian ấy nếu như tự học ở nhà, bạn sẽ nắm vững kiến thức hơn bạn biết được mình hổng ở đâu mà cố gắng tìm lời giải, đó là cách giúp bạn hiểu sâu thay vì theo kiểu "học vẹt". Nếu bạn kết hợp được cả 2 cách thì thực sự quá tuyệt vời, bằng không việc học thêm chỉ là biện pháp dành cho ai lười nhác nhưng chí ít nó còn hơn là bạn suốt ngày ngồi chơi ở nhà.
Tại sao những thủ khoa thường chỉ tự học
Đơn giản vì họ chăm chỉ và chịu khó. Yếu tố thông minh chỉ là một phần nhỏ, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của bản thân. Họ tự học vì họ luôn cảm thấy mình còn phải học rất nhiều, họ có thể nghiền ngẫm cả ngày với sách vở mà vẫn thấy thiếu. Nhưng điều quan trọng nhất là cách họ học ở nhà rất khác, tìm tài liệu qua Internet, học qua những diễn đàn hay qua những người bạn. Những thủ khoa đại học, họ tự học không phải với cuốn sách giáo khoa và cuốn bài tập kèm theo, mà đó là một tủ sách "đồ sộ" và một nguồn tri thức phong phú đến từ Internet.
Trao đổi với thí sinh Trần Bùi Xuân Dự (thủ khoa 3 khối ở một cụm thi – Ninh Bình), Dự cho biết chỉ chủ yếu dựa vào tự học ở nhà, cậu học rất nhiều và hầu như học kèm với tài liệu ở Internet. Dự cũng chia sẻ nên lấy sách giáo khoa làm kiến thức nền rồi sau đó tìm các tài liệu liên quan để nâng cao kiến thức. Đó là cách mà rất nhiều thủ khoa khác đang đã làm, họ tự học vì đam mê và chịu khó, cũng như là một nguồn tri thức phong phú từ sách và tài liệu. Nếu bạn cũng có một tủ sách hay và những tài liệu học ở Internet thì đó không khác gì là một "người thầy" luôn ở bên.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cau-chuyen-hoc-them-tai-sao-nhung-thu-khoa-thuong-chi-tu-hoc-o-nha-a1350.html