Muôn hình vạn trạng phản ứng của doanh nghiệp Việt trước chính sách thuế quan Mỹ

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh sau thông tin Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt phản ứng linh hoạt khi điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận và tái cơ cấu chiến lược.

Trong những ngày đầu tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự biến động mạnh mẽ khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Chỉ số VN-Index giảm 185 điểm trong ba phiên giao dịch đầu tiên sau thông báo này, kéo theo sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu trong các ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, thủy sản và khu công nghiệp.

Trong khi nhà đầu tư lo lắng, doanh nghiệp Việt đang có những phản ứng rất khác nhau – từ hoãn kế hoạch huy động vốn, tăng mua vào cổ phiếu đến điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Cổ phiếu giảm sâu, doanh nghiệp đồng loạt "xoay trục"

Chỉ trong vòng một tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hàng loạt mã cổ phiếu rơi mạnh sau khi thông tin Mỹ xem xét áp thuế cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được công bố. 

Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn đã có động thái phản ứng nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu kế hoạch tài chính ngắn hạn.

Đơn cử, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM) bất ngờ thông báo hoãn đấu giá 300 triệu cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục mất điểm. Động thái này được đánh giá là nỗ lực giữ giá cổ phiếu và tránh áp lực pha loãng trong giai đoạn nhạy cảm.

Muôn hình vạn trạng phản ứng của doanh nghiệp Việt trước chính sách thuế quan Mỹ- Ảnh 1.

Sau thông tin thuế quan, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc xanh lơ xuất hiện trên diện rộng, tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, công nghệ, thép.

Tại CTCP Nam Việt (HoSE: ANV), Tổng giám đốc công ty đã đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu để "đỡ giá" và tạo niềm tin với cổ đông. Đây là một trong những phản ứng nhanh chóng nhằm xoa dịu thị trường của doanh nghiệp thủy sản trước nguy cơ xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế cao hơn.

Thấy cơ trong nguy, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, HoSE: NTL) tận dụng thời điểm thị trường chứng khoán giảm sâu, HĐQT công ty đã phê duyệt bổ sung hạn mức tín dụng 150 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT sử dụng đầu tư vào cổ phiếu.

Cân chỉnh mục tiêu, phòng thủ lợi nhuận

Không chỉ phản ứng ở cấp độ thị giá cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp còn bắt đầu điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2025 theo hướng thận trọng hơn. 

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) sau một năm lợi nhuận kỷ lục đã chính thức thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm tới 35%, cho rằng môi trường thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó thuế quan từ các thị trường lớn như Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

CTCP Vật tư Xăng dầu (Comeco, HoSE: COM) - doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhiên liệu cũng đã hạ mục tiêu lợi nhuận năm 2025 xuống 41% so với năm trước. 

Lý giải cho sự thận trọng này, Ban lãnh đạo Comeco chỉ ra hàng loạt yếu tố rủi ro. Về vĩ mô, tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phức tạp do cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia.

Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt nhiều khó khăn. Các thay đổi trong chính sách vĩ mô về kinh doanh xăng dầu có thể làm giảm sự linh hoạt và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ như Comeco. 

Muôn hình vạn trạng phản ứng của doanh nghiệp Việt trước chính sách thuế quan Mỹ- Ảnh 2.

Doanh nghiệp bán lẻ lo lắng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) – tập đoàn đầu ngành thép đã bất ngờ hủy phương án chia cổ tức bằng tiền mặt. Đây được cho là một biện pháp giữ lại nguồn lực tài chính trước các biến động khó lường của thị trường xuất khẩu, vốn là một trong những nguồn thu lớn của tập đoàn này.

Trước những thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới và xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt để duy trì tăng trưởng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong hoàn cảnh cổ phiếu giảm sâu, ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc CTCP Gemadept (HoSE: GMD) chia sẻ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận khách hàng xuất khẩu, nhưng công ty đã chủ động lên kịch bản ứng phó.

Công ty đã chủ động thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi Châu Âu, Canada, Brazil - giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm tỉ trọng phụ thuộc vào Mỹ.

Cùng với đó, Gemadept định hướng nhanh chóng tận dụng cơ hội này, củng cố vị thế tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về chính sách thuế quan MỹLàn sóng siêu thuế quan của ông Trump tiếp tục làm chao đảo thế giớiThứ trưởng Công Thương nói về giải pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ

Công ty cũng đánh giá thuế suất nhập khẩu 0% tại Việt Nam dành cho thiết bị công nghệ, năng lượng tái tạo, dược phẩm... có thể thúc đẩy luồng hàng nhập từ Mỹ, tạo thêm động lực cho hoạt động logistics chiều ngược lại.

Trong bối cảnh áp lực từ thuế quan mới, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng kịch bản ứng phó và triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương sớm kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Sau những phiên giảm sâu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi khi Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày. Chỉ số VN-Index tăng mạnh trong các phiên giao dịch tiếp theo, cho thấy sự lạc quan trở lại của nhà đầu tư.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/muon-hinh-van-trang-phan-ung-cua-doanh-nghiep-viet-truoc-chinh-sach-thue-quan-my-a134627.html