Ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ, ngành thuỷ sản đề xuất 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp

Trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ, VASEP đã đề xuất các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thủy sản vượt qua khó khăn, điều chỉnh thích ứng và đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong văn bản, VASEP nhấn mạnh Mỹ là một trong hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu dao động từ 1,8 đến 2,1 tỷ USD/năm trong 3 năm qua, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ, ngành thuỷ sản đề xuất 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp- Ảnh 1.

Mỹ đang giữ vị trí số một về nhập khẩu tôm và cá ngừ, đồng thời là thị trường lớn thứ hai đối với cá tra của Việt Nam.

Đây là thị trường có tính định hướng quan trọng, giữ vị trí số một về nhập khẩu tôm và cá ngừ, đồng thời là thị trường lớn thứ hai đối với cá tra của Việt Nam. Sau hơn 20 năm mở rộng và phát triển, thủy sản Việt Nam đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia cung cấp thủy sản hàng đầu cho thị trường này.

Tuy nhiên, kể từ ngày 9/4/2025, Mỹ bắt đầu áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. VASEP nhận định đây là mức thuế cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu thủy sản lớn vào Mỹ, vượt xa so với các đối thủ cạnh tranh (như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan hay Indonesia…).

"Mức thuế này sẽ tạo ra cú sốc lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, kéo theo nguy cơ mất thị trường quan trọng nhất, mất khả năng cạnh tranh, và dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng như hàng tồn kho tăng mạnh, dòng tiền đứt gãy, chi phí lãi vay ngân hàng trở thành gánh nặng", VASEP cho biết.

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại trước loạt thách thức

Bên cạnh đó, sản xuất nguyên liệu đình trệ và ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế của hàng trăm nghìn lao động nông - ngư nghiệp. Đồng thời, ngành còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn tại các thị trường xuất khẩu khác, trong bối cảnh nguồn cung tăng nhưng giá lại có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, theo diễn biến mới nhất vào rạng sáng ngày 10/4, phía Mỹ đã công bố hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hàng hóa từ Việt Nam và 74 quốc gia khác, đồng thời chỉ áp mức thuế tạm thời 10% trong giai đoạn này. Đây là thông tin tích cực trong ngắn hạn. "Các doanh nghiệp thấy thuận lợi và dễ thở hơn. Ít nhất, Việt Nam vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày tới và kỳ vọng vào một kết quả đàm phán tích cực để có mức thuế cạnh tranh hơn khi thời hạn tạm hoãn kết thúc", VASEP nói.

Ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ, ngành thuỷ sản đề xuất 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp- Ảnh 2.

Trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ, VASEP đề xuất chính phủ có các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường

Trước tình hình bất ổn từ chính sách thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực sản xuất và xuất khẩu, VASEP đã tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp và đề xuất lên Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan 2 nhóm giải pháp hỗ trợ cấp thiết.

Gói thứ nhất bao gồm các đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cạnh tranh. Trong đó, nhóm kiến nghị về công nghệ, kiểm dịch, chống khai thác bất hợp pháp (IUU) và an toàn thực phẩm (ATTP), khơi thông thị trường tiêu thụ nội địa, giải quyết bất cập trong xác nhận hồ sơ IUU cho sản phẩm ruốc biển để mở đường xuất khẩu sang thị trường EU,...

Các đề xuất về thuế, phí, tín dụng và thủ tục hải quan bao gồm chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; hoàn thuế và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); xử lý bất cập về thuế VAT cho sản phẩm thủy sản đông lạnh; duy trì gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản,..

Gói thứ hai tập trung vào việc mở rộng thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại giai đoạn 2025–2026, nhằm giúp doanh nghiệp cân bằng phần thâm hụt từ thị trường Mỹ nếu mức thuế không được điều chỉnh kịp thời.

VASEP đề nghị tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đã được phê duyệt trong năm 2025. Đồng thời, VASEP kiến nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường mới để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận.

Với các đề xuất trên, Hiệp hội VASEP cùng cộng đồng doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các bộ, ngành, nhằm duy trì chuỗi sản xuất – xuất khẩu, bảo đảm việc làm cho người lao động và ổn định sinh kế cho cộng đồng nông - ngư dân trong bối cảnh nhiều biến động.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ung-pho-thue-doi-ung-tu-my-nganh-thuy-san-de-xuat-2-goi-ho-tro-doanh-nghiep-a134608.html