Cảnh giác “lửa ngầm” từ thiết bị, máy sấy quần áo

Máy hút ẩm, máy sấy quần áo là những thiết bị điện được người dân sử dụng nhiều trong lúc thời tiết nồm ẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại máy này đúng cách để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ cũng rất quan trọng.

Nhu cầu tăng do thời tiết ẩm ướt

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày thời tiết nồm ẩm đặc trưng, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân trở nên bất tiện hơn bao giờ hết. Nhà cửa ẩm ướt, quần áo phơi mãi không khô, không khí ngột ngạt khiến ai nấy đều cảm thấy khó chịu. Trước tình hình này, nhu cầu sử dụng các thiết bị chống ẩm như máy hút ẩm, máy sấy quần áo đang tăng cao đột biến.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tú - một người dân sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Thời tiết nồm ẩm khiến sàn nhà lúc nào cũng ướt sũng, quần áo phơi cả tuần vẫn không khô, cơ thể lúc nào cũng bứt rứt khó chịu. Vì vậy, tôi quyết định mua máy hút ẩm để cải thiện tình hình". 

Tuy nhiên, việc mua máy không hề dễ dàng. Anh Tú cho biết, khi đến cửa hàng gần nhà, nhân viên thông báo hàng đã hết và phải chờ đợi thêm vài ngày mới có hàng mới về. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng máy hút ẩm đang tăng cao một cách chóng mặt.

Cảnh giác “lửa ngầm” từ thiết bị, máy sấy quần áo- Ảnh 1.

Nhiều người tìm mua máy hút ẩm tại siêu thị điện máy.

Theo khảo sát, tại các siêu thị điện máy lớn và cửa hàng gia dụng ở Hà Nội, lượng khách hàng tìm mua máy hút ẩm và máy sấy quần áo đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. 

Giá cả của các sản phẩm này dao động từ 3 triệu đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào thương hiệu và công nghệ. Đặc biệt, thị trường máy hút ẩm hiện nay rất đa dạng, từ những sản phẩm bình dân đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Trang, chủ một cửa hàng điện tử trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), cho biết: "Cửa hàng tôi ngày nào cũng đông khách đến hỏi mua máy sấy và máy hút ẩm. Có ngày chúng tôi bán được vài chục chiếc, hàng nhập về chưa kịp trưng bày đã hết sạch. Nhiều khách hàng còn đặt cọc trước để đảm bảo có hàng".

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để sắm những chiếc máy hút ẩm cao cấp với giá bạc triệu. Đối với những người có thu nhập thấp như sinh viên, công nhân, họ thường tìm đến những giải pháp tiết kiệm hơn. 

Bạn Hoàng Văn Đại - sinh viên đại học tại Hà Nội bày tỏ: "Là sinh viên, tiền ăn, tiền trọ, tiền sách vở đã đủ khiến tôi đau đầu, làm gì có điều kiện mua mấy chiếc máy hút ẩm hay máy sấy hàng triệu đồng. 

Trời nồm, quần áo phơi mấy ngày không khô, đành lên mạng tìm mua một chiếc máy sấy giá rẻ, chỉ mong có cái dùng tạm. Thấy có loại hơn 500.000 đồng, cũng nhiều lượt mua nên tôi đã đặt về dùng. Nhưng mà cũng lo, không biết chất lượng thế nào".

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều người dân có thu nhập thấp, khi họ buộc phải chấp nhận sử dụng những sản phẩm kém chất lượng hơn để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Cảnh giác “lửa ngầm” từ thiết bị, máy sấy quần áo- Ảnh 2.

Cẩn trọng với những loại máy sấy quần áo giá rẻ trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, chỉ cần gõ từ khóa "thiết bị sấy quần áo", người dùng sẽ nhận được hơn 4.000 kết quả với đủ loại sản phẩm, từ máy sấy cầm tay đến tủ sấy quần áo, với giá cả dao động từ 300.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng.

Kỹ sư Vũ Văn Thái - người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện máy gia dụng cho biết, việc lựa chọn các thiết bị, máy hút ẩm, máy sấy từ các thương hiệu uy tín, có bảo hành chính hãng và được phân phối tại các trung tâm điện máy lớn sẽ giúp đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng.

Ngược lại, việc sử dụng các thiết bị chống ẩm giá rẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Độ ẩm cao trong mùa nồm (thường dao động từ 85-90%) không chỉ gây hại cho các thiết bị điện tử mà còn có thể dẫn đến hỏng hóc vi mạch, chập điện, hoặc gỉ sét các chi tiết kim loại.

Đặc biệt, những loại tủ sấy quần áo giá rẻ thường được chế tạo thủ công với mô tơ quạt gió và sợi đốt nóng, được bao bọc bằng vải bạt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nếu sử dụng không đúng cách.

Không chỉ vậy, chất lượng sấy kém của những thiết bị này còn có thể làm hỏng quần áo. Nếu nhiệt độ quá cao, sợi vải có thể bị chảy hoặc trở nên cứng, đặc biệt là quần áo trẻ em. Còn nếu máy không đủ nhiệt, quần áo sẽ không khô hoàn toàn, dễ gây ẩm mốc và mùi khó chịu.

 Cẩn trọng cháy nổ bởi các thiết bị hút ẩm, sấy quần áo 

Để đảm bảo an toàn, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần nắm rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và xử lý khi xảy ra sự cố liên quan đến cháy nổ từ máy sấy quần áo. 

Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nguy hiểm này như không vệ sinh máy sấy thường xuyên sẽ gây cháy nổ do bụi bẩn và xơ vải tích tụ trong máy. Dù bộ lọc có thể giữ lại phần lớn xơ vải, một lượng nhỏ vẫn có thể lọt qua và bám vào bộ phận làm nóng hoặc ống xả. Theo thời gian, chúng dễ bắt lửa khi nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, hệ thống thông gió bị tắc nghẽn cũng làm tăng nguy cơ quá nhiệt, dẫn đến cháy nổ.

Hư hỏng bộ phận điều khiển: Các lỗi cơ khí và điện tử, như đoản mạch ở bộ phận làm nóng, vòng bi quá nóng không hoạt động trơn tru, hoặc hệ thống dây điện cũ, cũng là nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ.

Sử dụng sai cách: Việc không tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, chẳng hạn như sấy các vật dụng không an toàn (thảm cao su, nhựa vinyl) hoặc nhồi nhét quá nhiều quần áo vào máy, sẽ cản trở quá trình thông gió, gây áp lực lớn lên động cơ và tăng nguy cơ cháy nổ.

Bỏ quên vật dễ cháy trong quần áo: Thói quen để bật lửa, diêm, hoặc các vật dụng dễ cháy trong túi quần áo khi sấy có thể dẫn đến hỏa hoạn nghiêm trọng khi nhiệt độ tăng cao.

Cảnh giác “lửa ngầm” từ thiết bị, máy sấy quần áo- Ảnh 3.

Người dân cần nắm rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và xử lý khi xảy ra sự cố liên quan đến cháy nổ từ máy sấy quần áo.

Sử dụng máy sấy kém chất lượng: Các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái thường được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn thấp, dễ gây ra sự cố cháy nổ. Việc tiết kiệm chi phí ban đầu có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau.

Vị trí lắp đặt không phù hợp: Lắp đặt máy sấy gần các vật liệu dễ cháy như rèm cửa, thảm, hoặc tủ quần áo sẽ làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Cần đảm bảo khoảng cách an toàn giữa máy và các vật liệu này.

Nguồn điện không ổn định: Điện áp quá cao hoặc quá thấp có thể làm hỏng máy sấy và tăng nguy cơ cháy nổ. Do đó, cần kiểm tra nguồn điện thường xuyên để đảm bảo máy hoạt động trong điều kiện an toàn.

Để phòng tránh nguy cơ cháy nổ, người dùng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Vệ sinh và bảo dưỡng máy sấy thường xuyên: Sau mỗi lần sử dụng, cần làm sạch bộ lọc xơ vải và kiểm tra các bộ phận như ống thông gió, cửa máy để đảm bảo không bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng. Đặc biệt, ống thông gió cần được thông thoáng để khí nóng thoát ra ngoài dễ dàng.

Sử dụng máy đúng cách: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất. Tránh sấy quá tải hoặc cho vào máy các vật liệu dễ cháy như nhựa, cao su.

Kiểm tra kỹ quần áo trước khi sấy: Đảm bảo không có vật dụng dễ cháy như bật lửa, diêm, hoặc các vật kim loại nhỏ sót lại trong túi quần áo.

Bác sĩ "điểm mặt" loạt bệnh thường gặp trong thời tiết nồm ẩmKhi nào miền Bắc hết nồm ẩm, mưa phùn?

Lắp đặt máy ở vị trí phù hợp: Máy sấy cần được đặt ở nơi thông thoáng, cách xa các vật liệu dễ cháy. Ống thông gió cần được lắp đặt chắc chắn và kết nối chặt chẽ với máy.

Kiểm tra nguồn điện: Đảm bảo máy sấy được cung cấp nguồn điện ổn định và phù hợp với công suất hoạt động.

Lựa chọn sản phẩm chất lượng: Ưu tiên mua máy sấy từ các thương hiệu uy tín, có chế độ bảo hành rõ ràng và được bán tại các siêu thị, cửa hàng điện máy lớn. Đừng vì tiết kiệm chi phí mà mua phải hàng kém chất lượng, đặt gia đình và tài sản vào tình thế nguy hiểm.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/canh-giac-lua-ngam-tu-thiet-bi-may-say-quan-ao-a130140.html