Giải pháp khắc phục ‘độ trễ’ của việc ban hành văn bản pháp luật đối với thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Để khắc phục vấn đề “độ trễ” của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã đưa ra 2 nhóm giải pháp: Đổi mới căn bản quy trình lập chương trình xây dựng pháp luật để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách và quy định quy trình thông qua các đạo luật trong một kỳ họp.

Giải pháp khắc phục ‘độ trễ’ của việc ban hành văn bản pháp luật đối với thực tiễn- Ảnh 1.

Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là một dự án luật đặc biệt quan trọng vì nó tác động đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật.

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi được đánh giá đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật. Đây cũng là một trong 4 dự án Luật được thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV khai mạc hôm nay (ngày 12/2).

Dự án Luật Ban hành VBQPPL tác động đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm xây dựng dự án Luật và quá trình thực hiện của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là một dự án luật đặc biệt quan trọng vì nó tác động đến việc xây dựng, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, là "luật làm luật", giải pháp toàn diện thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhằm thực hiện hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc", trong đó đề ra nhiệm vụ cần khẩn trương sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL…

Ngày 20/1/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 119-KL/TW về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, trong đó nêu rõ 7 nội dung cần được thể chế hóa trong quá trình xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật; tiếp tục đơn giản hóa hệ thống pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa có chương trình hằng năm linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng pháp luật…

Bộ Tư pháp đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo Luật được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), trong đó có sự đổi mới rất căn bản, có những nội dung mang tính chất "đột phá" trong quy trình làm luật.

Khắc phục "độ trễ" của việc ban hành VBQPPL

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, để khắc phục vấn đề "độ trễ" của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dự thảo Luật đã đưa ra 2 nhóm giải pháp.

Đó là đổi mới căn bản quy trình lập chương trình xây dựng pháp luật để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách. Cụ thể, tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm để giao cho Chính phủ hoặc cơ quan trình chịu trách nhiệm nghiên cứu, thông qua chính sách làm cơ sở cho việc quy phạm hóa văn bản Luật trước khi trình Quốc hội và Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp hằng năm theo nguyên tắc chỉ đưa vào chương trình những dự án được Chính phủ hoặc cơ quan trình xây dựng bảo đảm chất lượng.

Về quy trình thông qua văn bản luật, dự thảo Luật quy định quy trình thông qua các đạo luật trong 1 kỳ họp. Đồng thời quy định rõ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục rút gọn và bổ sung quy trình thông qua văn bản trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án, dự thảo văn bản xử lý các tình huống khẩn cấp và quan trọng quốc gia sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Kịp thời xử lý hiệu quả những "điểm nghẽn" từ quy định của pháp luật
Giải pháp khắc phục ‘độ trễ’ của việc ban hành văn bản pháp luật đối với thực tiễn- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là giải pháp toàn diện thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - Ảnh: Bộ Tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã nêu, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là "khâu yếu", chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo Luật quy định một chương hoàn toàn mới, đó là chương Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; xây dựng cơ chế thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật sau ban hành để kịp thời nhận diện, xử lý hiệu quả những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thi hành và báo cáo hoặc cung cấp thông tin về tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định tại Chương XV và Chương XVI của Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giám sát, kiểm tra, xử lý, hợp nhất, pháp điển, rà soát, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (trong đó, quy định rõ đối tượng kiểm tra, thẩm quyền, phương thức, căn cứ thực hiện kiểm tra văn bản, nội dung kiểm tra văn bản, việc xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả; bổ sung quy định về việc tự kiểm tra văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành...).

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong quá trình tổ chức thi hành VBQPPL, nhiều quy định ở các văn bản dưới Luật còn có cách hiểu khác nhau, cần thiết phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm việc áp dụng được thống nhất. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm hướng dẫn và nhiều trường hợp có thể dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan thực thi cũng như cơ quan hướng dẫn áp dụng VBQPPL.

Do đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về hướng dẫn áp dụng VBQPPL. Mục đích của việc hướng dẫn là bảo đảm các cơ quan, tổ chức hiểu đúng và thống nhất quy định trong VBQPPL.

Tiếp tục tốc lực chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)Xây dựng Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi cần bám sát các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Các cơ quan, tổ chức có thể căn cứ vào nội dung hướng dẫn để quyết định việc áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm đối với việc áp dụng pháp luật của mình. Điều này giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn và không tốn kém chi phí, nhân lực để sửa đổi, bổ sung VBQPPL.

Vấn đề tham vấn chính sách là vấn đề mới được quy định trong dự thảo Luật. Ban Soạn thảo đã nghiên cứu những giải pháp để thúc đẩy chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó "chính sách phải ra chính sách", chính sách phải hợp với lòng dân, chính sách có đúng, có "trúng" thì quy phạm hóa chính sách thành đạo luật, thành văn bản luật mới có chất lượng.

Chính vì thế, trong dự thảo Luật lần này có quy định về tham vấn chính sách. Theo đó làm rõ được khái niệm nội hàm tham vấn chính sách, đó là việc cơ quan xây dựng chính sách trực tiếp làm việc với các cơ quan, tổ chức. Trong đó có những cơ quan, tổ chức mà được luật quy định cụ thể, để trao đổi về các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến sự phát triển, đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Diệu Anh


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/giai-phap-khac-phuc-do-tre-cua-viec-ban-hanh-van-ban-phap-luat-doi-voi-thuc-tien-a129161.html