Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam

Nguồn cung tôm nội địa giảm, cùng các chính sách kích cầu đã giúp Việt Nam có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong năm 2024.

Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam.

Trong năm qua, nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc giảm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, Ecuador giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu tiêu dùng trong dân. Những yếu tố này đã hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu tôm vào Trung Quốc.

Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam- Ảnh 1.

Nguồn cung tôm nội địa giảm, cùng các chính sách kích cầu đã giúp Việt Nam có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong năm 2024.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm chân trắng chiếm 36% và tôm sú chiếm 12% tỉ trọng. Tôm loại khác chiếm tỉ trọng cao nhất 52% do Trung Quốc tăng khá mạnh nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam.

Theo VASEP, do tăng trưởng thấp hơn thị trường Trung Quốc, nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 2 trong những thị trường xuất khẩu của tôm Việt Nam. Trong năm qua, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023. Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôm chân trắng vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 84%, tiếp đó là tôm sú với 9,3%, còn lại là tôm loại khác.

Nhập Bản là thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 517 triệu USD, tăng 1% so với năm 2023. Sau khi sụt giảm trong 2 quý đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã có sự phục hồi trong quý III và IV, mặc dù mức tăng trưởng chưa cao.

Từ giữa quý III/2024, đồng Yên Nhật phục hồi mạnh dẫn tới sức mua cải thiện. Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Nhật Bản là Ấn Độ vướng tai tiếng về sử dụng lao động vị thành niên nên tôm Việt Nam được các nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm đến nhiều hơn.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới

Đứng sau Nhật Bản là thị trường EU. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang EU đạt 484 triệu USD, tăng 15% so với 2023. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang 3 thị trường này đều tăng trưởng 2 con số, trong đó Hà Lan ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 22%.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang EU năm 2024, tôm chân trắng chiếm tỉ trọng lớn nhất 81%, tôm sú chiếm 12%, còn lại là tôm loại khác.

VASEP cho biết, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 5 của tôm Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 334 triệu USD, giảm 3% so với năm 2023. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc vẫn đang vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 11 tháng đầu của năm 2024, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt 723 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm thị phần áp đảo 46%.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/trung-quoc-vuot-my-tro-thanh-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-tom-viet-nam-a128805.html