Sớm triển khai những điểm mới của Luật Công đoàn 2024

(Chinhphu.vn) - Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật, như: Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…

Sớm triển khai những điểm mới của Luật Công đoàn 2024- Ảnh 1.

Luật Công đoàn 2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ 1/7/2025 gồm 6 Chương với 37 điều; tăng 4 điều so với Luật Công đoàn hiện hành.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024 diễn ra sáng nay (5/2), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đơn vị sớm triển khai quán triệt các quy định của Luật tới Công đoàn cơ sở thuộc cấp mình, tới đoàn viên, người lao động để Luật Công đoàn 2024 sớm đi vào cuộc sống.

Luật được áp dụng đối với Công đoàn các cấp, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, một trong những kết quả nổi bật, cũng như thành công của tổ chức Công đoàn, đó là đã bảo vệ thành công việc tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%.

Cùng với đó, Luật Công đoàn 2024 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các địa phương, các ngành cần nắm vững các quy định của Luật, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; đảm bảo quyền của đoàn viên, người lao động; đồng thời tích cực tuyên truyền để chủ sử dụng lao động chủ động nghiên cứu, cùng phối hợp hiệu quả trong quá trình hoạt động.

Nhấn mạnh từ 1/7/2025 Luật Công đoàn 2024 chính thức có hiệu lực, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị dự Hội nghị, trên cơ sở những nội dung được truyền đạt, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sớm triển khai quán triệt tới các Công đoàn cơ sở thuộc cấp mình; sớm truyền tải tới đoàn viên, người lao động để Luật Công đoàn 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên và tổ chức Công đoàn.

Luật Công đoàn 2024 xác định và phân định rõ "Công đoàn Việt Nam" với "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam". Theo đó, Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp: Cấp trung ương; cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở. Trong đó, cấp trung ương là Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam bao gồm 4 cấp. Đồng thời, quy định mô hình tổ chức của Công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật.

Những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024

Thông tin về những điểm mới của Luật Công đoàn 2024, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật có một số điểm mới nổi bật, như: Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Trong đó, Luật bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn (Điều 21, Điều 22). Cụ thể, bổ sung mới thêm một số quyền của đoàn viên: Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn; được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn; quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về Công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể.

Ngoài ra, quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cần thiết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoànCần thiết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/som-trien-khai-nhung-diem-moi-cua-luat-cong-doan-2024-a128551.html