Các doanh nghiệp tiên phong như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG, LEGO, Airbus và các tổ chức toàn cầu khác đã bắt đầu hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để thiết lập các chiến lược chuyển đổi số như một phần của cách tiếp cận toàn diện đối với kinh doanh toàn cầu.
Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2025 do Cushman & Wakefield thực hiện trên 90 cụm phát triển trung tâm dữ liệu của 26 thành phố cho thấy, Việt Nam có chi phí xây dựng trong nhóm thấp nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Lãnh thổ Đài Loan. Hiện chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dao động từ 5.5 – 8.5 triệu USD/MegaWatt.
Cụ thể, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn trung bình tại Việt Nam đạt 6.935.600 USD/megawatt, tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước (tương đương với 175.470.680.000 VND/megawatt), trong đó, chi phí cho hệ thống điện chiếm 26%, theo sau là hệ thống cơ khí và xây dựng lần lượt là 13%.
Các chi phí khác bao gồm hệ thống làm mát, hệ thống an toàn và phòng cháy chữa cháy, hệ thống bảo vệ, giá đỡ, tủ kệ, thiết bị và dây cáp. Giá đất chỉ chiếm 5% tổng chi phí, với mức giá đất trung bình có vị trí ở khu vực ngoại ô đi kèm với cơ sở hạ tầng sẵn có tại Tp.HCM và Hà Nội đạt 209 USD/m2.
Chính phủ Việt Nam cũng đã công bố dự án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, nhằm lưu trữ dữ liệu chính phủ một cách an toàn hơn khi tiến tới số hóa mạnh mẽ trong khu vực công. Những nỗ lực này thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tiên phong và mở rộng năng lực các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Theo số liệu năm 2024 của Cushman & Wakefield, Việt Nam đang sở hữu 51MW công suất trung tâm dữ liệu đang hoạt động, 11MW đang xây dựng và dự kiến sẽ có thêm 28MW trong tương lai. Hiện tại, Tp.HCM chiếm 50% công suất hoạt động của Việt Nam, chủ yếu do các nhà cung cấp viễn thông trong nước chi phối.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield chia sẻ, so với các thị trường trưởng thành, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài và cải cách quy định của quốc gia sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Dẫu vậy, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần vượt qua. Chẳng hạn như vướng mắc về các quy định pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp; nguồn lao động có tay nghề trong lĩnh vực xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu vẫn còn hạn chế. Điều này đặc biệt đúng ở các thị trường mới nổi, nơi các nhóm nhân lực có khả năng xây dựng các công trình công nghiệp quy mô lớn hoặc yêu cầu độ tin cậy cao vẫn còn tương đối nhỏ.