Thời gian qua, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể; giúp "kéo" hành khách trở lại, nâng tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, tàu điện tăng cao hơn… Vận tải hành khách công cộng của Thủ đô đang dần lấy lại vị thế.
Tính đến năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến kế cận và 2 tuyến City tour. Mạng lưới tuyến xe buýt trong 10 năm qua thường xuyên được phát triển, mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách.
Mạng lưới xe buýt đã "phủ sóng" đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường, thị trấn đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%, kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 4.400 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ). Đoàn phương tiện có gần 2.300 xe, tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch là 276 xe (chiếm 13,6%)...
Hiện nay, xe buýt là loại hình phương tiện đi lại chính của nhiều người dân Hà Nội nhất là học sinh, sinh viên, người cao tuổi và nhân viên văn phòng. Không chỉ có độ phủ sóng cao, xe buýt còn thu hút hành khách bởi giá vé rẻ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, hiện không chỉ riêng xe buýt mà toàn bộ hệ thống giao thông đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách và đồng bộ.
Một trong những vấn đề nan giải của hệ thống xe buýt hiện nay là sự thiếu ổn định của cơ sở hạ tầng và địa điểm chờ xe buýt. Ví dụ như việc điểm dừng, chờ xe buýt thường xuyên thay đổi vị trí, đặc biệt là ở khu vực nội thành, do ảnh hưởng của việc cải tạo hạ tầng giao thông, đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Bên cạnh đó, tình trạng chiếm dụng điểm dừng, chờ xe buýt bởi các phương tiện khác như xe rác, ô tô, hàng quán… cũng diễn ra phổ biến, làm giảm hiệu quả của cả hệ thống. Việc thiếu nhà chờ xe buýt ở ngoại thành càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, gây ra nhiều bất tiện cho người dân.
Thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức
Nhằm nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng, hỗ trợ thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nội dung văn kiện và tiếp nhận dung văn kiện và tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật "Cải thiện giao thông công cộng TP. Hà Nội (Moov'Hanoi)" sử dụng viện trợ không hoàn lại của Hội đồng Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp).
Tổng vốn dự án khoảng 33 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 triệu euro. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 32 tỷ đồng do bên tài trợ là Hội đồng Vùng Île-de-France và Cơ quan Phát triển Pháp (bên cung cấp viện trợ) trực tiếp quản lý. Vốn đối ứng khoảng 1 tỷ đồng được huy động từ ngân sách Thành phố.
Dự án đặt ra 2 mục tiêu chung nhằm nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng tại Hà Nội và hỗ trợ Thành phố thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2025-2026.
TP. Hà Nội kỳ vọng khi dự án được triển khai sẽ cải thiện "lộ trình di chuyển của hành khách", đặc biệt thông qua cải tiến các điểm ga giao thông công cộng. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận bằng tất cả các phương thức, đặc biệt là đi bộ đến các nhà ga để tạo thuận lợi cho việc sử dụng phương thức giao thông công cộng mới này.
Cùng với đó, Thành phố sẽ có thể tổ chức lại mạng lưới xe buýt hiện có để bổ sung tốt hơn trong cung cấp giao thông công cộng nói chung.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án có nhiều nội dung chính, trong đó nội dung 1 sẽ nghiên cứu thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến giao thông và nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân Hà Nội để phát triển hệ thống giao thông bền vững.
Nội dung 2 nhằm hỗ trợ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc mở mới, điều chỉnh dịch vụ các tuyến buýt trên cơ sở kế hoạch tái cấu trúc và hợp lý hóa mạng lưới xe buýt công cộng. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các phương thức vận tải metro/BRT/buýt.
Nội dung 3 là các nguyên tắc thiết kế các điểm ga giao thông công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, điểm trung chuyển đa phương thức và triển khai dự án thí điểm làm cơ sở nhân rộng và quản lý kết nối đa phương thức. Điều này nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt đô thị và liên vận.
Có thể thấy, việc mở mới các tuyến buýt cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Diệu Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nang-cao-suc-hap-dan-cua-giao-thong-cong-cong-a128510.html