Tại sao nhà cửa hàng mặt phố cho thuê ế khách?

Cuối năm, khi nhiều cửa hàng kinh doanh nhộn nhịp thì hàng loạt nhà mặt phố trên các tuyến đường sầm uất ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái cửa đóng then cài, mòn mỏi chờ khách.

Tại sao nhà cửa hàng mặt phố cho thuê ế khách?- Ảnh 1.

Mặt bằng nhà phố cho thuê kinh doanh thời gian gần đây rơi vào tình trạng ế ẩm. (Ảnh: Int)

Đóng cửa, treo biển cho thuê cả năm trời

Dạo qua một số những tuyến phố chính trên địa bàn Hà Nội, nhất là các quận trung tâm, không khó để nhận biết hàng loạt cửa hàng đóng cửa treo biển hiệu cho thuê hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác.

Chị Hoàng Thu Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, lâu nay chị có thói quen mua sắm online nên ít khi đến các cửa hàng để mua. Gần đây, chị cần mua một số món đồ để đi dạ hội công ty cuối năm đã tìm đến cửa hàng thời trang trên phố Kim Mã (quận Ba Đình). Một số nhãn hàng quen thuộc, trang phục giản dị như Hương Boutique, Helene Hoài đã đóng cửa.

Theo ghi nhận của MarketTimes, một đoạn phố Ngọc Khánh (Ba Đình) có rất nhiều cửa hàng treo biển cho thuê. Đơn cử, một cửa hàng có diện tích 80m2 đang được rao với giá 20 triệu đồng/tháng cho tầng 1. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mặc dù giá này tăng 37% trong vòng 1 năm, nhưng giảm 50% so với hồi đỉnh trước tháng 12/2022.

Tương tự, cũng trên phố Ngọc Khánh chủ nhà đang rao cho thuê cửa hàng có diện tích 86m2, nhà 7 tầng, giá 85 triệu đồng/tháng.

Trên một số tuyến phố cổ như Hàng Bông, Hàng Đào, xuất hiện một số cửa hàng đóng cửa treo biển cho thuê. Chị Hải Yến, chủ một căn nhà trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chị treo biển cho thuê căn nhà 3 tầng hơn nửa năm nay nhưng vẫn không có khách thuê. Giá ban đầu chị Yến đưa ra là 95 triệu đồng/tháng, nhưng hiện chị đã giảm xuống còn 85 triệu đồng/tháng để kích cầu, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.

Mới đây, một chủ khách sạn mini rao cho thuê căn nhà trong ngõ có diện tích 100m2 x 6 tầng, giá cho thuê 170 triệu đồng/tháng. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá thuê này đã tăng gần 90% trong vòng 1 năm qua và giá hiện tại thấp hơn đỉnh 14% vào trước tháng 12/22.

Trên nhiều tuyến phố khác như Phố Huế, Xã Đàn, Nguyễn Thái Học... nhiều mặt bằng vẫn im lìm đóng cửa, khác hẳn không khí sôi động trên thị trường dịp cuối năm.

Vì sao ế khách?

Theo ghi nhận ý kiến từ nhiều môi giới bất động sản và khách có nhu cầu thuê nhà, việc nhiều mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm và phố cổ Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm là do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là giá thuê quá cao.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, giá thuê nhà quá cao trong lúc việc làm ăn kinh doanh khó khăn khiến nhiều người không dám chi trả một khoản tiền lớn vào chi phí mặt bằng. Muốn cải thiện tình trạng này, chủ nhà cần tham khảo mặt bằng chung để đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến nhà phố đang và sẽ gặp khó trong việc cho thuê do sự phát triển của thương mại điện tử khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Việc thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm dần trở nên không cần thiết. Ngoại trừ các đơn vị kinh doanh hàng ăn - loại hình mà kinh doanh online khó thay thế - hoặc các ngân hàng cần thuê mặt bằng lớn để làm phòng giao dịch, thì các cá nhân kinh doanh loại hàng hóa thông thường như thời trang sẽ giảm nhu cầu về mặt bằng nhà phố.

Ở góc độ khác, chuyên gia Savills Hà Nội đánh giá, hiện nay các nhãn hàng ngày càng khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng. Thay vì chọn vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, các nhãn hàng còn phải tính toán tới nhiều yếu tố khác như: chỗ đỗ xe, có bị cấm đường giờ cao điểm hay không,..

Bên cạnh đó, nhiều khách thuê là các nhãn hàng có thương hiệu họ đã tìm đến các trung tâm thương mại để thuê. Thực tế cho thấy, các trung tâm thương mại có nhiều hoạt động quảng cáo và đa dạng các thương hiệu với nhiều ngành nghề/sản phẩm khác nhau, từ đó thu hút khách tham quan, vui chơi, mua sắm hơn. Do vậy, đối với các thương hiệu hoạt động tại trung tâm thương mại sẽ được hưởng lợi thông qua việc bổ trợ các hoạt động bán hàng. Doanh số thực tế ghi nhận tại trung tâm thương mại cũng cao hơn so với mặt bằng nhà phố.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại thường được quản lý và vận hành bởi các đơn vị chuyên nghiệp, có thể đưa ra những phương án thuê tối ưu hơn nhà phố. Đơn cử, trung tâm thương mại chấp nhận cho khách thuê thanh toán dạng TOS (chia sẻ doanh thu). Điều này phần nào giảm được áp lực tiền thuê cho khách thuê vào những giai đoạn khó khăn của thị trường.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút các thương hiệu gia nhập thị trường bán lẻ, nhờ lợi thế về dân số cũng như thị hiếu mua hàng. Các thương hiệu đã qua thời gian tìm hiểu thị trường và dự kiến sẽ tham gia hoạt động tại Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, các thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực giải trí, F&B và thời trang được dự kiến sẽ chiếm diện tích cho thuê cao nhất.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tai-sao-nha-cua-hang-mat-pho-cho-thue-e-khach-a127882.html