Quy trình nghiêm ngặt
Cuộc cách mạng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong những năm qua đã đạt được những bước tiến quan trọng, trong đó một trong những phương diện nổi bật là việc lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK).
Điểm khác biệt lớn nhất giữa SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với giai đoạn trước, đó là có nhiều bộ SGK được tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay vì chỉ có một bộ SGK được sử dụng thống nhất trên cả nước.
SGK từ chỗ được xem như pháp lệnh của nền giáo dục thì đến nay chương trình giáo dục được định vị trở thành trung tâm cốt lõi của nền giáo dục mà các trường phổ thông trên cả nước phải thống nhất thực hiện, sách giáo khoa giờ đây đóng vai trò là học liệu của quá trình học tập.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà quy trình biên soạn, xuất bản SGK bị coi nhẹ hơn. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Thành viên HĐTV, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), việc biên soạn, xuất bản SGK từ trước Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đều phải trải qua một quy trình vô cùng nghiêm ngặt.
Điểm khác biệt ở chỗ, nếu như trước đây SGK đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên; nhà xuất bản chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành, thì hiện nay với SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản/đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Và các đơn vị xuất bản phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến cả quá trình này.
"Trước đây do chỉ có một bộ SGK nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa SGK thì các nhà xuất bản phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau.
Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương không lựa chọn SGK theo bộ mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng SGK theo nhu cầu riêng của từng trường", đại diện lãnh đạo NXBGDVN cho biết.
Về các yêu cầu với nội dung SGK, ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định công tác biên soạn SGK của NXBGDVN được thực hiện bài bản, có quy trình giám sát tiến độ và chất lượng chuyên nghiệp.
"SGK của NXBGDVN được đánh giá là có nhiều đổi mới, hấp dẫn, giúp giáo viên chủ động, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sự đổi mới trong cách tiếp cận, phương pháp dạy học là một bước tiến quan trọng, là xu hướng tất yếu của SGK hiện đại.
Mỗi bộ SGK đều có một thông điệp riêng, và đều đảm bảo bám sát chương trình, đáp ứng yêu cầu đổi mới về phương pháp tiếp cận, định hướng dạy học; cấu trúc và thiết kế, trình bày sách tiệm cận với SGK phát triển năng lực của các nước tiên tiến...", ông Tùng chia sẻ.
Bên cạnh SGK, Nhà xuất bản này cũng đã xây dựng được hệ thống học liệu, sách giáo viên, sách bổ trợ, dụng cụ, thiết bị học tập đi kèm sách học sinh; xây dựng trang web sách điện tử, trang web tập huấn giáo viên để hỗ trợ tối đa cho học sinh và giáo viên trong quá trình học tập và giảng dạy.
Tiếp sức cho chủ trương xã hội hóa
Bên cạnh những thuận lợi, các nhà xuất bản cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ biên soạn, xuất bản SGK mới.
Theo đó, việc xây dựng đội ngũ tác giả trong bối cảnh nhiều đơn vị xuất bản cùng tìm kiếm tác giả viết sách giáo khoa nên gặp nhiều khó khăn để có được những đội ngũ tác giả tốt.
Chưa kể, do là lần đầu tiên biên soạn SGK theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nên về mặt lý luận còn nhiều quan điểm khác biệt...
Các tài liệu giáo dục địa phương do chưa có đủ các căn cứ pháp lý quy định và văn bản hướng dẫn nên gặp rất nhiều trở ngại trong việc tổ chức đấu thầu biên soạn, in ấn, phát hành, dẫn đến một số lượng lớn bản thảo chưa được xuất bản để đến tay người học.
Để khắc phục những khó khăn trên đồng thời tiếp thêm động lực để thu hút thêm nguồn lực xã hội hóa cho biên soạn SGK, theo ông Nguyễn Văn Tùng, cần phải chủ động tuyên truyền rộng rãi tính ưu việt của chủ trương một chương trình có nhiều SGK và những bất cập khi chỉ có 1 bộ SGK.
"Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa SGK là quan điểm tiến bộ. Sự đột phá này làm thay đổi chất lượng cũng như diện mạo của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai", ông Tùng nói.
Theo đó, cần thiết phải quản lý chuyên môn thực chất phải bằng chương trình chứ không phải là SGK. Việc thi cử được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Chương trình là yếu tố tĩnh, SGK được hiểu là yếu tố động. Giáo viên sẽ lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện, phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đây được xem như độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh khiến tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà chồng chất sẽ dần loại bỏ.
Ở góc độ chính sách dành cho doanh nghiệp, ông Tùng cho rằng hiện nay quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xuất bản-in-phát hành SGK khác nhau nên tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng.
Các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất, chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp mà không phải thực hiện các quy trình, thủ tục đấu thầu như doanh nghiệp nhà nước nên thời gian, tiến độ thực hiện rất ngắn gọn, chủ động, tạo ưu thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, lãnh đạo NXBGDVN mong muốn Nhà nước có chế độ, chính sách bình đẳng đối với các nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tim-hieu-quy-trinh-bien-soan-xuat-ban-sgk-a127666.html