Ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai Luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Nghị định 168 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông - một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay.
Mặc dù tai nạn giao thông đã có sự giảm bớt so với trước nhưng vẫn ở mức báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự và an toàn giao thông trở thành yêu cầu cấp bách. Trong bối cảnh đó, Luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ ra đời, tách biệt khỏi Luật Giao thông đường bộ trước đó, nhằm tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc duy trì an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn.
TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng giao thông phức tạp, chúng ta cần triển khai 2 nhóm biện pháp chính, đó là tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực thi mạnh mẽ các chế tài xử lý. Việc tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc tham gia giao thông an toàn, trong khi các biện pháp cưỡng chế như phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe là cần thiết để xử lý những hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Điểm nhân văn của Nghị định 168
Đi sâu vào phân tích, TS. Khương Kim Tạo cho biết Nghị định 168 có một số điểm mới quan trọng, bao gồm việc tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm và áp dụng hệ thống trừ điểm đối với giấy phép lái xe. Mặc dù mức phạt có thể gây khó khăn cho người dân nhưng nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh rằng đây là bước đi hợp lý nhằm tăng cường tính răn đe và làm giảm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, ông Tạo cũng cho rằng Nghị định 168 có những điểm nhân văn. Ví dụ, với những vi phạm ít nghiêm trọng, người vi phạm không bị giữ lại giấy phép lái xe ngay lập tức mà chỉ bị phạt tiền và trừ điểm. Điều này giúp cho người tham gia giao thông có thể sửa đổi hành vi mà không gặp phải những tác động quá nặng nề ngay lập tức.
Khi Nghị định 168 được triển khai, sẽ có những tác động đáng kể đến đời sống hằng ngày của người dân. Mặc dù nhiều người dân sẽ ủng hộ vì có thể giảm được tai nạn giao thông và nâng cao ý thức tham gia giao thông, nhưng cũng không ít người cảm thấy bất an, đặc biệt là những người thường xuyên vi phạm luật. Thực tế, việc siết chặt quản lý giao thông có thể dẫn đến sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân, khi họ tìm cách tránh các khu vực có mức giám sát giao thông cao. Điều này có thể làm giảm ùn tắc ở những khu vực này, nhưng cũng tạo ra những thách thức mới ở các con đường khác.
TS. Tạo cho rằng, dù có một số phản ứng phụ nhưng việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 168 sẽ giúp dần xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, văn minh và hiện đại.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong việc triển khai Nghị định này là vấn đề hạ tầng giao thông, như đèn tín hiệu và cơ sở vật chất trên các tuyến đường. TS. Tạo chỉ ra rằng, một số điểm giao thông vẫn chưa được tối ưu hóa, ví dụ như chất lượng đèn tín hiệu chưa đồng đều và việc phân bổ thời gian tín hiệu chưa hợp lý. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp quản lý giao thông.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn bao gồm cách ứng xử của người tham gia giao thông. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng trống mà pháp luật không thể bao quát hết và giúp xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh, an toàn.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến tích cực sau 2 tuần thực hiện Nghị định 168/2024 của Chính phủ.
Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41), giảm 426 người bị thương (-34,24%); so với thời gian trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).
Trong nửa tháng qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp GPLX bị trừ điểm.
So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 22.786 trường hợp (-11,54%). Trong đó vi phạm nồng độ cồn 36.055 trường hợp; 2.888 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; 37.337 trường hợp vi phạm tốc độ; 339 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; 3.279 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông...
Ngoài ra, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát; dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh.
Anh Thơ
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nghi-dinh-168-tien-de-cho-giao-thong-van-minh-an-toan-a127186.html