Khói thuốc lá có thể khiến bệnh nhân COPD tử vong sớm hơn 20 năm
COPD gây ra do khói thuốc lá kích hoạt tế bào viêm, sản xuất cytokine và các yếu tố phá hủy gây viêm, xơ hóa, tăng tiết nhầy, dẫn đến tắc nghẽn và phá hủy đường hô hấp, nhu mô phổi. Cytokine tác động lên toàn thân, gây hậu quả lên tim mạch, cơ xương khớp, và hệ nội tiết. Khi COPD tiến triển đến giai đoạn nặng, tình trạng trở nên trầm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với giai đoạn đầu.
COPD có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hiện có 400 triệu bệnh nhân mắc COPD trên toàn thế giới, với tỷ lệ tử vong tăng lên theo từng năm. Đây là bệnh rất khó điều trị, dù đã được điều trị tối ưu nhưng bệnh vẫn tiến triển và kết thúc bằng tình trạng tử vong do nhiễm khuẩn đợt cấp hoặc các biến cố tim mạch.
Theo các chuyên gia y tế, khói thuốc lá là thủ phạm hàng đầu chiếm tới 90% tỷ lệ bệnh nhân COPD. Một số nguyên nhân khác gây COPD có liên quan đến chất đốt sinh khối, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp…
Điều trị COPD giai đoạn nhẹ rất đơn giản, chỉ cần hít thuốc một lần/ngày bằng các thuốc thế hệ mới hiện nay. Việc điều trị bệnh nhân ổn định giúp giảm đợt cấp, và tiết kiệm chi phí điều trị. Đối với một bệnh nhân điều trị COPD trong giai đoạn ổn định có thể tốn khoảng 22 triệu, nhưng vào đợt cấp thì chi phí điều trị tăng lên gấp 10 lần.
Do vậy, việc ngừng hít phải khói thuốc lá là phương pháp duy nhất đã được chứng minh là giúp làm giảm sự tiến triển của bệnh COPD.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia đăng trên tạp chí y học Taylor & Francis Online (năm 2023) kiểm tra các nghiên cứu lâm sàng và khảo sát dân số hiện có về ảnh hưởng sức khỏe hô hấp của các sản phẩm không khói thay thế thuốc lá điếu ở bệnh nhân COPD.
Nhóm tác giả nhìn nhận, bệnh nhân COPD hút thuốc rất khó cai thuốc lá, trong đó có một số người không muốn cai thuốc lá. Hầu hết bệnh nhân COPD hút thuốc hiếm khi thành công với các biện pháp can thiệp cai thuốc lá tiêu chuẩn, nhiều người vẫn tiếp tục hút thuốc mặc dù có các triệu chứng của bệnh.
Nhiều bệnh nhân dù đã mắc COPD nhưng vẫn tiếp tục hút thuốc lá. (Hình minh họa)
Nghiên cứu về tiềm năng cải thiện sức khỏe của bệnh nhân COPD hút thuốc khi chuyển đổi sang các sản phẩm không khói thuốc
Cũng theo nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả kết luận: So với thuốc lá điếu đốt cháy truyền thống, các sản phẩm thuốc lá không khói (như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus) giúp giảm đáng kể việc phơi nhiễm với các chất hóa học độc hại.
Đối với bệnh nhân COPD gặp khó khăn trong việc cai thuốc lá, cần cân nhắc lựa chọn giảm bớt các tác động tiêu cực đến sức khỏe của việc hút thuốc bằng cách chuyển từ thuốc lá điếu đốt cháy thông thường sang các sản phẩm không khói. Việc sử dụng các sản phẩm này cũng góp phần cai thuốc lá lâu dài, từ đó hỗ trợ phòng ngừa việc tái hút thuốc lá.
Mặc dù vậy, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm này chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân mắc COPD không thể cai thuốc lá bằng các biện pháp hỗ trợ cai thuốc thông thường, bao gồm tư vấn và sử dụng các loại dược phẩm nicotine thay thế trong danh sách thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nghiên cứu trên tạp chí y học Taylor & Francis Online (2023) khuyến nghị các biện pháp thay thế nicotine dành cho bệnh nhân COPD cai thuốc lá thất bại.
Trong một nghiên cứu khác đánh giá tác động của thuốc lá điếu truyền thống và sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá làm nóng) đến độc tính ở phổi và tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra, đăng trên cổng thông tin y khoa châu Âu Europe PMC năm 2022, các tác giả cũng phát hiện ra rằng khói của thuốc lá điếu tạo ra hàm lượng độc tính tế bào cao hơn và mức độ stress oxy hóa cao hơn so với khí hơi của thuốc lá làm nóng xét trên hai dòng tế bào phổi (Calu-3 và Beas-2B).
Hiện các sản phẩm không khói phổ biến ở phần lớn các nước trên toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau, từ dạng ngậm (thuốc lá ngậm snus, túi ngậm nicotine), dạng khí hơi có chứa nicotine (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử), song song với các dược phẩm nicotine thay thế (NRT) khác như kẹo gum nicotine, miếng dán nicotine, xịt nicotine… nhằm cung cấp nhiều sự lựa chọn cho người hút thuốc chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thay thế giảm tác hại hơn.
Thu Hà
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nghien-cuu-giai-phap-cho-benh-nhan-copd-khong-the-cai-thuoc-la-a127056.html