Mỗi dịp Tết Nguyên đán, các làng cây cảnh lại phải chật vật tìm thuê thợ đánh cây, vận chuyển cho khách. Do số lượng thợ ít ỏi nên luôn rơi vào cảnh khan hiếm khi vào cao điểm thu hoạch. Nhiều chủ vườn chấp nhận trả công cao để giữ thợ, thậm chí đặt tiền trước cả tháng nhưng vẫn khó kiếm được thợ để thuê.
Chị Trần Thu Phương, chủ vườn quất cảnh Phương Lễ (huyện Nam Phong, tỉnh Nam Định) cho biết, do cây quất có trọng lượng lớn nên để đánh được cây từ vườn lên xe để vận chuyển đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và sức khỏe. Ngày thường những người thợ này rất dễ tìm thuê, thế nhưng mỗi khi vào vụ Tết, nhu cầu thuê thợ đánh cây tăng mạnh, khiến lực lượng thợ lành nghề trở nên ít ỏi.
"Tôi phải sang tận xã bên cạnh, thuê 3 thợ đánh cây từ tháng trước với tiền công là 1 triệu đồng/ngày kèm phục vụ cơm trưa. Dù tìm từ trước Tết cả tháng trời nhưng vẫn không được, chúng tôi phải nhờ người giới thiệu sang các địa phương bên cạnh để thuê người", chị Phương kể.
Theo chị Phương, người thợ đánh cây lành nghề phải có sức khỏe để bê cây từ dưới vườn lên nơi tập kết vận chuyển. Quan trọng nhất, người thợ cần có kỹ thuật đánh cây để không bị vỡ bầu, đứt rễ, không làm cây rung lắc mạnh ảnh hưởng đến kiểu dáng, chất lượng của cây.
"Thợ không biết nghề mà làm cây vỡ bầu, lay gốc thì cây quất sẽ héo và chết ngay sau đó ít ngày. Như thế sẽ mất uy tín với khách mua, thậm chí nhà vườn còn phải đền tiền", chị Phương nhấn mạnh.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Huy chủ một nhà vườn quất cảnh cũng phải thuê thợ đánh cây từ trước Tết 1 tháng và bắt đầu trả công từ đầu tháng 12 âm lịch, dù lúc đó khách mua vẫn chưa nhiều. Để giữ thợ, anh Huy chấp nhận phải trả công đều đặn dù thợ chưa có việc.
"Đặc thù bán cây cảnh tại vườn là khi có khách mua, mình phải có thợ đánh cây và vận chuyển ngay để phục vụ khách. Thế nên, dù chưa biết có đông khách hay không, chúng tôi vẫn phải thuê sẵn thợ ngồi đó, khi có khách là làm việc luôn. Thợ sẽ ký hợp đồng làm việc với mình từ đầu tháng đến khi vườn hết cây thì thôi. Thông thường sẽ diễn ra trong khoảng 20 ngày cận Tết", anh Huy nói.
Ông Vũ Văn Lộc (50 tuổi) là thợ đánh cây thuê cho vườn nhà anh Huy cho biết, ông đã làm việc tại đây được hơn 10 ngày. Mỗi ngày, ông sẽ bắt đầu công việc từ 7h và kết thúc khi trời tối.
"Với tiền công 1 triệu đồng mỗi ngày, tôi sẽ thu nhập được khoảng 20 triệu đồng từ việc đi đánh cây thuê, đây là số tiền không nhỏ với người nông dân. Thường ngày, tôi làm các công việc nông nghiệp khác, nhưng đến tháng giáp Tết đều gác lại, chúng tôi sẽ nhận làm cho một nhà vườn quen từ nhiều năm" , ông Lộc kể.
Ngoài việc đánh cây tại vườn, những người thợ như ông Lộc cũng sẽ đi theo xe vận chuyển tới nhà khách mua, nếu khách có nhu cầu thuê người trồng cây. Mỗi chuyến như thế, ông Lộc được trả thêm khoảng 200.000 đồng. "Công việc có phần vất vả, nặng nhọc cả ngày. Nhưng chúng tôi quen với những công việc tay chân rồi, nếu không làm thì cũng sẽ không có tiền để chi tiêu ngày Tết ", ông Lộc kể.
Không chỉ dịch vụ đánh cây cảnh mà dịch vụ xe tải vận chuyển cũng trở nên khan hiếm tại các làng cây cảnh dịp cận Tết. Anh Vũ Văn Khánh (35 tuổi) cho biết, anh làm nghề vận tải chuyên chở cây cảnh đã nhiều năm nay, mỗi khi đến vụ Tết, xe của anh luôn kín lịch chở hàng từ sáng sớm đến tận đêm muộn. Mỗi chuyến xe anh sẽ lấy chi phí từ 200.000 - 500.000 đồng tùy theo quãng đường di chuyển.
"Do khách hàng thường đi các tuyến đường khác nhau nên mỗi chuyến chỉ chở được 1, 2 cây. Với hàng vạn cây quất được bán trong dịp Tết, nhu cầu thuê xe vận chuyển tăng cao, lượng xe trong khu vực không thể đáp ứng đủ. Vì thế, các nhà vườn cũng liên tục gọi điện nói khó khiến chúng tôi phải làm việc cả đêm muộn. Thu nhập tuy tăng cao nhưng rất vất vả" , anh Khánh nói.