Giá lúa gạo thấp nhất 2 năm: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp gặp khó

Giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, kéo giảm giá lúa trong nước khiến doanh nghiệp, nông dân, thương lái gặp khó, khi lúa Đông Xuân - vụ chính trong năm tại ĐBSCL bước vào thu hoạch.

Đàm phán lại hợp đồng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ tháng cuối của năm 2024 đến nay, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam liên tục giảm. Ngày 8/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 460 USD/tấn, giảm khoảng 60 USD/tấn chỉ trong khoảng 1 tháng. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm nhưng vẫn cao hơn gạo Việt Nam khi ở mức 490 USD/tấn. Với gạo 25% tấm, gạo Việt Nam có giá 432 USD/tấn (giảm hơn 50 USD/tấn trong vòng 1 tháng) và cũng thấp hơn gạo Thái Lan (447 USD/tấn). Phân khúc gạo thơm Jasmine xuống mức 625 USD/tấn, giảm hơn 60 USD/tấn trong vòng 1 tháng qua...

Giá lúa gạo thấp nhất 2 năm: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp gặp khó- Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Về giá lúa trong nước, những ngày đầu tháng 1, lúa thường tại ruộng có giá bình quân hơn 6.400 đồng/kg, giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 12/2024; lúa thường tại kho bình quân 7.400 đồng/kg, giảm hơn 400 đồng/kg…

Ông Dương Văn Siêu (Hợp tác xã Thuận Thắng) cho rằng, giá lúa gạo tuy giảm nhưng so với vài năm gần đây tăng quá cao. Nếu so với những năm trước, không phải vấn đề lớn, phù hợp sự xoay vòng của thị trường theo nhu cầu, không phải lo lắng quá. Nông dân hay DN sản xuất, kinh doanh có chiến lược và tính toán lâu dài sẽ trụ được và tiếp tục phát triển.

Tại ĐBSCL, đầu tháng 12/2024, các loại lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái thu mua với giá 9.000-9.300 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 5.800-6.500 đồng/kg (tùy loại). Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thuận Thắng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, lúa Đông Xuân tại khu vực này sau Tết mới thu hoạch nhưng bà con đang lo lắng vì giá xuống thấp và chưa biết tình hình lúc thu hoạch ra sao. Hiện nay giá lúa ngoài thị trường khoảng 7.000 đồng/kg đối với giống Đài Thơm 8 hay Jasmine, trong khi cùng thời điểm năm ngoái là 9.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Các giống lúa phân khúc thấp hơn có giá từ hơn 5.000 đến dưới 7.000 đồng/kg (tùy loại), giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Theo ông Siêu, giá lúa giảm sâu nên thương lái hay “cò lúa” đang e ngại hợp đồng với nông dân trong khi cùng thời điểm này năm trước đã đặt cọc rầm rộ. “Họ không dám đặt cọc ngay vì chưa biết sắp tới giá cả diễn biến ra sao, chỉ nói tới đó (thời điểm thu hoạch - PV) rồi tính. Họ cũng lo mất tiền cọc, mỗi công đặt cọc 4-500 nghìn thì 10 công là mất 4-5 triệu rồi…” - ông Siêu nói.

Giá lúa giảm sâu gây bất ngờ và khó khăn cho người thu mua lúa. Một thương lái ở Đồng Tháp cho biết, hiện phải thương lượng lại với nông dân các hợp đồng đã đặt cọc trước đó, ai đồng ý giảm giá, cùng chia sẻ rủi ro thì tiếp tục giữ hợp đồng, còn không thì thương lái chịu mất tiền cọc (khoảng 2-3 triệu đồng/ha).

Chia sẻ với người mua lúa thời điểm hiện tại, nông dân Nguyễn Văn Hiếu (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay, sau khi thương lượng, đã chấp nhận giảm 1.700 đồng/kg so với mức cọc ban đầu (từ 8.700 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg), đối với giống Đài Thơm 8. Ông Hiếu lo lắng không biết đến khi thu hoạch có giảm tiếp hay không…

Gạo Việt Nam được định vị ở phân khúc khác

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), giá gạo XK giảm mạnh do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn đang nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập khẩu gạo giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.

Theo ông Thành, năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu gạo, giúp tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên chưa vội mua gạo lúc này và đang chờ giá xuống. Trong khi đó, Ấn Độ mở cửa XK gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, gần đây có thông tin Philippines đang đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhiều hơn. Các khách hàng tư nhân từ Philippines thường xuyên mua gạo của Việt Nam hạn chế mua vì cân đối tài chính, quay vòng vốn hay trả nợ ngân hàng … khiến thị trường lắng xuống.

Một số động thái trên cộng với thông tin rằng sản lượng lương thực năm 2025 sẽ dồi dào khiến thị trường bị tác động mạnh. Một số dự đoán cho rằng, với diễn biến thị trường như hiện nay, khả năng sang vụ Hè Thu 2025, diện tích sản xuất lúa Việt Nam sẽ thu hẹp, các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng dài hạn giá thấp có nguy cơ lỗ trong tương lai khi thị trường sốt giá trở lại.

Theo dự báo của các DN, giá bán và kỷ lục về XK gạo của Việt Nam năm 2024 khó duy trì trong năm 2025. Trước mắt, khi vụ Đông Xuân 2024-2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân do Indonesia và Philippines sẽ mua chậm lại vì lượng nhập khẩu đạt kỷ lục trong năm 2024. Bên cạnh đó, các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao có giá tốt sẽ kích thích nông dân lựa chọn phân khúc này nhiều hơn, khi nguồn cung tăng kéo theo áp lực giảm giá.

Giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cũng như thế giới có khả năng còn giảm sâu hơn trong năm 2025, bởi áp lực gạo giá rẻ từ Ấn Độ (Việt Nam hiện vẫn có nhu cầu nhập gạo phân khúc thấp từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất bột, bánh, bún…). Gạo cấp thấp giảm mạnh có thể kéo phân khúc chất lượng cao, gạo thơm giảm theo, nhất là khi nguồn cung này được tăng cường.

Trước đây, tình cảnh lúa chất lượng cao rớt giá tương đương với phân khúc thấp (giống IR50404, OM380…) từng diễn ra. Theo các DN, kịch bản lần này dự báo lạc quan hơn khi giá giảm không quá sâu. Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần sẵn sàng có chính sách hỗ trợ lãi suất để DN có thể tăng cường dự trữ.

“Trước mắt, DN cần chủ động tài chính, khi giá lúa gạo thấp nên đưa vào tạm trữ. Trường hợp xấu hơn, Nhà nước nên hỗ trợ về lãi suất để ngân hàng cung cấp vốn ưu đãi cho DN mua tạm trữ, giúp giảm chi phí cho DN. Như vậy, tôi nghĩ chúng ta đủ nguồn lực để tạm trữ, giúp kìm giữ giá lúa gạo” - ông Thành cho biết.

Ở góc độ lạc quan hơn, theo một số DN, dù nguồn cung thế giới có thể dồi dào, nhưng gạo Việt Nam đã được định vị ở một phân khúc khác so với Ấn Độ, Thái Lan. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo thị trường số 1 của Việt Nam là Philippines vẫn tăng nhập khẩu trong năm 2025 do nguồn cung trong nước dự báo giảm.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/gia-lua-gao-thap-nhat-2-nam-nong-dan-thuong-lai-doanh-nghiep-gap-kho-a126610.html