Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chiều 8/1, ông Nguyễn Công Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, năm qua, sản lượng điều hành bay của VATM ước thực hiện 864.725 lần chuyến, bằng 114,23 % so với thực hiện cùng kỳ năm 2023.
Sự cố hàng không giảm 36,59%
Doanh nghiệp đã triển khai kịp thời, đầy đủ, chính xác 11.360 phép bay đột xuất, điều hành 318 lần chuyến bay chuyên cơ trong nước và quốc tế, 66 chuyến bay cứu thương.
Tổng sản lượng điều hành bay của VATM năm 2024 tăng gần 14,23% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng sự cố, vụ việc giảm khoảng 36,59%. Điều này phản ánh các công tác quản lý an toàn đã và đang thực hiện đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Đáng chú ý, theo kết quả Chương trình Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO được thực hiện tại Việt Nam từ ngày 15/5-27/5/2024, Đoàn thanh sát đánh giá khả quan với tổng điểm cho toàn ngành là 77,1%, cao hơn so với kết quả hiện tại (65.56%).
Trong đó, lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay (ANS) được đánh giá cao nhất với tỷ lệ đáp ứng yêu cầu lên đến 96,67%. Với kết quả này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có kết quả đánh giá USOAP tốt nhất trong khu vực.
Năm 2024, với sự gia tăng lưu lượng hoạt động bay, doanh nghiệp đã đối mặt và vượt qua nhiều thách thức mới trong công tác quản lý không lưu, cũng có nhiều bước tiến quan trọng để cải thiện quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại. Các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của VATM đã tổ chức đảm bảo hiệp đồng, chỉ huy, điều hành bay an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao.
Để tối ưu hóa năng lực vùng trời, tăng khả năng tiếp thu tàu bay, giảm tải khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu, đảm bảo hoạt động bay được an toàn, điều hòa, hiệu quả, VATM đã điều chỉnh ranh giới trách nhiệm phân khu 3, 4 và thiết lập phân khu 7 tại ACC Hồ Chí Minh.
Năm qua, VATM đã hoàn thành chuyển đổi khai thác chính thức đưa Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên và Đài Kiểm soát không lưu Buôn Ma Thuột vào khai thác. Việc chuyển đổi khai thác áp dụng phương thức giám sát không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên đã góp phần nâng cao năng lực điều hành bay của toàn vùng thông báo bay Hà Nội.
VATM còn hoàn thành nghiên cứu, xây dựng, trình Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi và Phương thức khai thác ATFM đa điểm nút mức 3 tại Việt Nam. Kết quả đã giảm một nửa số lượng tàu bay phải bay chờ tại các sân bay có hoạt động bay đông và trong điều kiện thời tiết bất lợi so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả năm 2024, tổng doanh thu của VATM ước đạt 4.237 tỷ đồng, bằng 115,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.431 tỷ đồng, bằng 130,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp Ngân sách nhà nước ước đạt 2.819 tỷ đồng.
Năm 2025, VATM đặt mục tiêu tổng sản lượng điều hành bay đạt 940.128 lần chuyến, tăng 8,72% so với ước thực hiện năm 2024. Tổng doanh thu tăng 5,7%, đạt 4.478 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 1,7%, đạt 1.136 tỷ đồng.
Giữ vững chủ quyền vùng trời Việt Nam
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà VATM đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, VATM đã có những đóng góp quan trọng với hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung, góp phần giữ vững chủ quyền vùng trời quốc gia.
Theo Bộ trưởng, năm qua, ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn. Trên thế giới, tình hình địa chính trị có những diễn biến bất ổn, tình hình Biển Đông phức tạp, nhiều tàu bay lạ xuất hiện trong vùng thông báo bay Hà Nội, TP.HCM. Trong nước, các hoạt động quân sự sử dụng vùng trời gia tăng, nhiều hoạt động khai thác bay gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động hàng không dân dụng. Trong bối cảnh đó, VATM đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn để cung cấp dịch vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Trong hoạt động hàng không, phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh và yêu cầu VATM phải tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt hơn nữa để cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tốt nhất, điều hành an toàn cao nhất cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Kiểm tra giám sát an ninh an toàn tại các cơ sở dịch vụ, bảo đảm an toàn hoạt động bay.
Tổng công ty cần có giải pháp hiệu quả để hệ thống kỹ thuật của dây chuyền cung cấp đảm bảo an toàn bay hoạt động ổn định. Tập trung nâng cấp trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động bay, đáp ứng tốc độ phát triển của hoạt động bay.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu VATM khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng. Đặc biệt, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Dự án thành phần 2 Cảng HKQT Long Thành, Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh.
"Trong năm 2025, đề nghị VATM giải quyết dứt điểm các công trình chậm tiến độ. Cần nghiêm khắc xử lý các cán bộ, ban quản lý dự án để chậm tiến độ các dự án", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói và đề nghị doanh nghiệp rút kinh nghiệm trong công tác đấu thầu trang thiết bị quản lý bay.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo VATM cũng được yêu cầu quyết liệt thực hiện Nghị quyết 18/TW, nghiên cứu, sắp xếp nhân sự, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng nhân lực. Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí theo các quy định của Nhà nước.
Phan Trang
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/viet-nam-co-chi-so-bao-dam-hoat-dong-bay-ans-tot-nhat-khu-vuc-a126471.html