Ý kiến trái chiều việc cho học sinh nghỉ học
Những ngày qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội chạm mức "nguy hại", theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu.
Cụ thể, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir vào sáng 8/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 219, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức tím, mức "rất không tốt". Thậm chí, có trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI màu nâu "nguy hiểm" ở mức 324.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra các giải pháp khi chỉ số chất lượng không khí xấu, học sinh hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301 - 500), lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục.
Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.
Trước thông tin về chất lượng không khí ở mức nguy hại có thể xem xét cho học sinh nghỉ học, nhiều phụ huynh đã có những ý kiến trái chiều.
Chị Nguyễn Thanh Huệ (Hoài Đức, Hà Nội) mẹ của hai con nhỏ đang học mầm non chia sẻ: "Những ngày qua tôi rất lo lắng và thường xuyên cập nhật tình hình không khí ở Hà Nội, nhà có hai con nhỏ đang đi học mầm non nên nếu cho con nghỉ học thì mọi sinh hoạt gia đình sẽ bị đảo lộn".
Theo lời chị Huệ, không khí ô nhiễm thì chúng ta cũng vẫn phải sống chung, do đó cần có các biện pháp tận gốc để giải quyết chứ không chỉ là giải pháp nghỉ học.
"Với những gia đình có người giúp việc hay ông bà trông thì không sao, nhưng tôi cũng phải đi làm nên nếu nghỉ học là các con tôi không biết gửi ở đâu", chị Huệ nói.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến chị Huệ, chị Phạm Duyên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng với tình hình ô nhiễm không khí thì nên cho học sinh nghỉ học để bảo vệ sức khỏe các con.
Chuyên gia nói gì?
Trao đối với Người Đưa Tin, BS.Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng nên cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục, nhất là học sinh tiểu học.
Bởi, theo BS.Hoàng, khi chỉ số AQI trên 300 thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tăng cao, trong khi trẻ nhỏ sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng, có thể để lại hậu quả lâu dài.
"Khi AQI từ 150-300, cân nhắc cho nghỉ học với các trẻ có bệnh nền (ví dụ hen phế quản) và hạn chế các hoạt động ngoài trời", BS.Hoàng lưu ý.
Bên cạnh đó, BS.Hoàng cũng đưa ra những biện pháp sống chung khi không khí ô nhiễm như:
Theo dõi chất lượng không khí, hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí kém. Sử dụng máy lọc không khí ở nhà, nơi làm việc, trong ô tô...
Sử dụng nước muối sinh lý, súc miệng, nhỏ mắt, mũi... sau khi về nhà. Một thìa mật ong cùng nước ấm buổi sáng rất tốt.
Nên dùng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, các loại thực phẩm lên men (natto, kombucha, sữa chua kefir...).
Hạn chế sử dụng xe máy, ô tô cá nhân, bảo vệ và trồng mới cây xanh và vận động nhẹ nhàng trong nhà hoặc khi chất lượng không khí không quá xấu, ngủ tốt và uống đủ nước.
Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ thêm, với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học, có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày là đúng.
Theo BS. Mạnh trẻ em và người già là 2 đối tượng dễ suy hô hấp, mắc các bệnh về hô hấp cấp. Trong không khí ô nhiễm này nên hai đối tượng trên kể cả phụ nữ mang thai không nên ra ngoài.
Các đối tượng trên dễ nhiễm bệnh, ngoài suy hô hấp còn dễ bùng phát các dịch virus như cúm A vì cơ thể bị suy yếu hệ miễn dịch trong thời tiết ô nhiễm này nhưng nghỉ đến bao giờ vì ô nhiễm cả nhiều ngày nay.
"Tôi cho rằng, thành phố phải có phương án giải quyết các công trường, nhà máy và nạn đốt rác thải", BS.Mạnh cho hay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/chat-luong-khong-khi-nguy-hai-bac-si-neu-ly-do-nen-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-a126445.html