Dự họp thay khi trưởng phòng đi vắng, sau khi nghe lãnh đạo trình bày, anh nhân viên bình thường này đã lớn tiếng mắng sếp “dốt”. Thay vì bị sa thải, anh đã được giao một dự án lớn và trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty con với vài nghìn người.
Đó là anh Hoàng Nam Tiến , hiện là Chủ tịch HĐQT FPT Software. Và đây là câu chuyện có thật mà mọi người thường kể như một “huyền thoại” ở FPT.
Cách đây nhiều năm, FPT tổ chức một cuộc họp bàn về việc phát triển một dự án phân phối lớn của tập đoàn. Trưởng phòng kinh doanh của một công ty phân phối trực thuộc tập đoàn đi vắng, một nhân viên kinh doanh của phòng được cử đi thay.
Lẽ thường, khi đi họp thay thì nhân viên chỉ ghi chép và về báo cáo với lãnh đạo.
Nhưng trong buổi hôm ấy, sau một hồi nghe dàn lãnh đạo gồm cả Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bàn về chiến lược phát triển dự án, nhân viên này đã lớn tiếng mắng các sếp “dốt”.
Cả phòng họp im lặng.
“Chú nói anh dốt thì chú có làm được không?”, ông Trương Gia Bình hỏi.
Không còn đường lùi, người nhân viên này gật đầu.
Dự án ấy được triển khai thành công. Nhiều người cho rằng chính thành công sau vụ “nổi dậy” ấy, cộng thêm tài năng và nhiều tài lẻ, người nhân viên ấy đã tiến rât nhanh trên con đường lãnh đạo, và đảm đương nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong tập đoàn FPT.
Anh là Hoàng Nam Tiến , hiện là Chủ tịch HĐQT FPT Software.
Câu chuyện trên được đưa ra để nêu bật lên yếu tố Tôn trọng cá nhân – một trong những điểm nổi bật của triết lý hiền tài, được đưa ra nhằm xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng cho FPT. Trong đó, tôn trọng 3 yếu tố: Nói thẳng, Lắng nghe và Bao dung.
“Với FPT, bạn được quyền nói ý kiến của mình, mặc dù ý kiến đấy khác với ý kiến của lãnh đạo, khác với ý kiến chung của tập thể. Và khi bạn nói thẳng bạn vẫn được người khác Lắng nghe. Đây là điều rất quan trọng”.
“Nếu bạn nói thẳng vài lần mà không được ai lắng nghe, bạn sẽ không nói thẳng nữa.
Và khi Lắng nghe, cần lắm sự Bao dung.
Tức, kể cả bạn nói sai, hay nói không đúng với những gì mọi người, nhất là người lãnh đạo đang nghĩ, thì cũng được chấp nhận”, bà Lương Thanh Bình – Trưởng phòng Truyền thông FPT Software chia sẻ tại hội thảo “Employer Branding” (tạm dịch: Thương hiệu nhà tuyển dụng) do MVVCoaching tổ chức tối qua, 5/5.
Công cuộc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, theo bà Bình, có 3 cái lợi:
Một là thu hút nhân tài. Ngày nay, nhân tài ngày càng được coi là giá trị to lớn đối với doanh nghiệp.
Việc thu hút nhân tài phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm cực nhiều chi phí. Không phải bỏ nhiều tiền cho các đơn vị tuyển dụng.
“Khi thương hiệu doanh nghiệp tốt và phù hợp, họ (nhân tài – PV) sẽ tự tìm đến”, bà Bình nói.
Hai là, khi xây dựng thương hiệu doanh nhiệp, nhân tài đã đến với doanh nghiệp sẽ làm việc nhiệt tình hơn, ở lại công ty lâu hơn, giúp công ty tiết kiệm nhiều chi phí tuyển dụng hay đào tạo mới.
Ông Lê Quang Vũ, Giám Đốc Điều Hành của Blue C Content Studio dẫn khảo sát của Talent Pool cho biết, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ giúp giảm tỷ lệ “chảy máu chất xám” đến 50%.
Hơn nữa, khi thương hiệu nhà tuyển dụng tốt, mỗi ngày nhân viên đi làm sẽ cảm thấy vui vẻ, cảm thấy được đối xử tốt… Họ sẽ truyền tải niềm vui đó tới khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình.
Ba là, khi vui vẻ và say mê với công việc tại công ty, nhân viên có xu hướng mong muốn giới thiệu nhiều người phù hợp đến với doanh nghiệp.
Theo CafeBiz/TTVN
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/mang-sep-dot-mot-nhan-vien-binh-thuong-duoc-thang-chuc-chu-tich-a1260.html