Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô

Theo quy hoạch này, sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm và Hà Nội sẽ tận dụng và khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có để phát triển ngang tầm với các Thành phố lớn trên thế giới.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới để Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Theo quy hoạch này, sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm và Hà Nội sẽ tận dụng và khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có để phát triển ngang tầm với các Thành phố lớn trên thế giới.

Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô- Ảnh 1.

Sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm và Hà Nội.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, quy hoạch thủ đô Hà Nội được thông qua sẽ giúp Thủ đô phát huy tối đa nguồn lực đất đai hai bên sông Hồng để đưa vào khai thác và phát triển. Một số quỹ đất sẽ dành để cải tạo xây mới, tái thiết đô thị. Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, Quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông.

Các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, bao gồm các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: "Đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng lịch sử, phát triển Thủ đô cân đối-hài hòa, nhanh-mạnh-bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng".

Về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030 dự kiến thành lập thêm 6 quận/thành phố gồm các quận được định hướng thành lập là Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và các quận/thành phố, đô thị được định hướng thành lập gồm Đan Phượng, Mê Linh.

Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô- Ảnh 2.

Một góc phố huyện Thanh Trì.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một dấu mốc quan trọng đối với Thủ đô nói chung và huyện Thanh Trì nói riêng - địa phương đang nỗ lực phấn đấu trở thành quận trong thời gian tới.

Là địa bàn phía Nam Thủ đô, có khoảng 1.100ha đất bãi ven sông Hồng (bằng 18% diện tích đất tự nhiện), huyện Thanh Trì đang ưu tiên, tập trung với quy hoạch hướng tới là phát triển mạnh vùng đệm xanh góp phần bổ sung, cải thiện môi trường sinh thái, hạ tầng đô thị xanh cho khu vực nội đô. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Thanh Trì đầu tư mới trên 30 khu cây xanh công cộng, nhằm gia tăng diện tích đất cây xanh công cộng trên địa bàn lên gần 28ha.

Ông Nguyễn Xuân Phong cho biết: "Đây là quyết định vô cùng quan trọng đối với Thủ đô, trong đó có Thanh Trì-một trong 5 huyện lên quận. Từ Quyết định phê duyệt của Thủ tướng như vậy, đặc biệt Thanh Trì có những dự án rất lớn. Đó là dự án công viên, với diện tích gần 1000ha. Khi quy hoạch được phê duyệt, triển khai dự án đây là vùng xanh, một lá phổi của phía Nam Hà Nội… Trong quý 1/2025 chúng tôi phấn đấu hoàn thành đề án huyện thành quận"

Theo bản quy hoạch, đô thị Hà Nội được định hướng phát triển mang bản sắc riêng của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường sống văn minh, có sức hút đầu tư và tạo việc làm, phát triển bền vững. Phát triển không gian nông thôn bảo đảm hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường; tạo điều kiện sống hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống đặc trưng;

Bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử. Ông Trần Quang Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì cho biết, định hướng quy hoạch Thủ đô sẽ mở ra chương mới cho xã phát triển. Với đặc thù 100% diện tích thuộc vùng bãi ven đê sông Hồng, thương mại, du lịch, dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

"Quy hoạch ở đây là vùng du lịch sinh thái. Chúng tôi có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như Đình Yên Mỹ, chùa Yên Mỹ, Núi Chùa, Nhà truyền thống Văn Chỉ… sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách", ông Khánh nói.

Hai bờ sông Hồng đoạn qua địa bàn Hà Nội là khu vực có nhiều tiềm năng, với diện tích gần 11.000 ha, khoảng 900.000 người dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến huyện Phú Xuyên. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa giấc mơ về thành phố hai bên bờ sông Hồng.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/song-hong-la-truc-xanh-truc-canh-quan-trung-tam-cua-thu-do-a125956.html