Nữ sinh viên bị "cú đúp" lừa đảo

Các đối tượng mạo danh công an gọi điện thông báo có liên quan đến một vụ án và để chứng minh không liên quan, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của "cơ quan chức năng".

Công an TP.Đà Nẵng cho biết, vào 15h ngày 25/12, chị D.T.M.D (20 tuổi), là sinh viên của một trường đại học tại Đà Nẵng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia, đối tượng tự xưng là cán bộ công an và thông báo chị D. liên quan đến vụ án mà cơ quan công an đang điều tra.

Người này đề nghị, để chứng minh mình không liên quan đến vụ án, chị D. phải chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan chức năng để niêm phong.

Do quá hoảng sợ và bị thao túng tâm lý, chị D. sau đó chuyển 3 lần với tổng số tiền 29,2 triệu đồng đến số tài khoản 3701296819 của Ngân hàng VPbank, chủ tài khoản là "CT TNHH Dau Tu Shark Crydto".

Đáng nói, sau khi trẫn tĩnh lại tinh thần, chị D. biết mình bị lừa đảo. Tuy nhiên thay vì đến cơ quan công an trình báo, chị này lại lên mạng tìm và nhờ trang Facebook "Luật sư Kim Huệ" tư vấn lấy lại tiền bị lừa.

Sau khi tư vấn cũng như giới thiệu các bước làm hồ sơ, "Luật sư Kim Huệ" đề nghị chị D. chuyển 3 lần với tổng số tiền 11,7 triệu đồng đến số tài khoản 41751797 của Ngân hàng ACB, tên tài khoản là "Nguyen Thi Xuan Bang".

Sau khi chuyển tiền, chị D. không còn cách nào liên lạc được với vị "luật sư mạng" nữa nên mới đến cơ quan công an trình báo.

Nữ sinh viên bị "cú đúp" lừa đảo - Ảnh 1.

Nhan nhản các trang mạo danh cơ quan chức năng, các công ty luật… giới thiệu có thể “lấy lại tiền bị lừa đảo”, người dân cần hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn nêu trên (ảnh: Công an TP.Đà Nẵng).

Trước đó, khoảng 12h15 ngày 4/12, chị B.T.M (55 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) nhận được thông báo sim điện thoại của mình sẽ bị khóa. Chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân thì chị M. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ tài khoản mạng xã hội, đầu dây bên kia là một người đàn ông tự xưng là "Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Công an Thành phố Đà Nẵng".

Người này sau đó thông báo số điện thoại của chị M. có liên quan đến việc làm ăn phi pháp.

Đối tượng yêu cầu chị M. cầm cố sổ đỏ và chuyển tiền vào số tài khoản của "cơ quan chức năng" để chứng minh mình không vi phạm pháp luật.

Chị M. đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ được 1,7 tỷ đồng rồi chuyển hết số tiền trên vào tài khoản Ngân hàng SHB, số 08631663 mang tên "NGUYEN HONG HAI".

Đến ngày 7/12, đối tượng tên Hải yêu cầu chị M. chuyển thêm 300 triệu đồng nữa. Chị M. sau đó đã vay mượn và tiếp tục chuyển số tiền trên cho đối tượng. Đến ngày 13/12, phát hiện mình bị lừa nên chị đã đến công an phường trình báo.

Qua 2 vụ việc kể trên cho thấy, với hình thức lừa đảo này, các đối tượng đã lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân khi bị cơ quan chức năng thông báo liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.

Các đối tượng sử dụng các ứng dụng gọi điện thoại giả mạo danh nghĩa cơ quan chức năng, tiến hành theo từng bước như thu thập thông tin cá nhân, đe dọa liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền phục vụ công tác điều tra.

Đáng tiếc, với trường hợp của chị D., thay vì đến cơ quan công an trình báo, thì lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh giúp thu hồi tiền lừa đảo nên bị lừa thêm một lần nữa.

Qua vụ việc này, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền bị lừa.

Việc lập ra các tài khoản, fanpage, website giả mạo nêu trên nhằm tiếp cận các nạn nhân đã bị lừa đảo rồi lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất của họ để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai.

Khi người dân liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa; cài đặt, tải các ứng dụng khác như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ.

Thậm chí, chúng sẽ sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả khiến người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý.

Sau đó, kẻ lừa đảo lấy nhiều lý do như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Công an TP.Đà Nẵng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các đối tượng đăng tải trên website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"..., đặc biệt là không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Khi bị lừa đảo dưới mọi hình thức, người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Oanh “Hà” và 26 bị cáo bị tuyên án tử hìnhOanh “Hà” và 26 bị cáo bị tuyên án tử hình

T.M

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nu-sinh-vien-bi-cu-dup-lua-dao-a125420.html