UBND TPHCM vừa báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM”.
Đề án đã đề ra 6 nội dung gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TPHCM; đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; tài chính đất đai; quản lý tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý; hành chính về đất đai; cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đến nay, 6/6 nội dung đã cơ bản hoàn thành với những thành quả cụ thể.
UBND TPHCM cho biết, đề án đã giúp nhận diện những bất cập để từ đó đề xuất với các cơ quan, ban, ngành Trung ương giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đặc biệt là lĩnh vực đất công. Các chương trình, kế hoạch cho nhiệm vụ cụ thể đã được xác định và có lộ trình thực hiện.
Theo báo cáo, đối với tài chính đất đai, trong năm 2021, tổng nguồn thu từ đất đai ở TPHCM đạt hơn 22.094 tỷ đồng, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản chuyển nhượng bất động sản, lệ phí cấp giấy chứng nhận, và phí thẩm định hồ sơ.
Năm 2022, nguồn thu tăng mạnh lên gần 30.126 tỷ đồng nhờ thị trường bất động sản phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, năm 2023, thu từ đất giảm còn 15.011 tỷ đồng do thị trường lao dốc.
Trong 10 tháng của năm 2024, TPHCM đã thu 17.009 tỷ đồng, cho thấy dấu hiệu khôi phục và tăng trưởng của thị trường. Hiện tại, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, dù gặp không ít khó khăn do thị trường bất động sản biến động.
Ngoài ra, UBND TPHCM đã ban hành quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023, 2024 và đã tham mưu xác định giá đất cụ thể đối với 119 dự án. Ban hành quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi năm 2023, 2024 trên địa bàn và đã xác định giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 135 dự án.
Theo UBND TPHCM, đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thuộc chương trình đột phá, có những đóng góp đổi mới quản lý đề xuất các mô hình huy động nguồn lực từ đất như mô hình tiêu TOD, BT... đã được cho phép tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và nay đã được đưa vào Luật đất đai năm 2024 với nhiều ý kiến xác thực.
Hiện các công cụ nhằm phục vụ cho công tác quản lý đất đai cơ bản hoàn thành và sẽ đưa vào ứng dụng hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai được chặt chẽ. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, có thể đưa ra các phương án sử dụng đất đai được hiệu quả hơn. Hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, đã rút ngắn được thời gian lập chính sách bồi thường để thực hiện dự án.
TPHCM cũng đã nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất cụ thể từ thực tiễn nên đã đề xuất đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể” nhằm giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong công tác định giá đất.
Dự kiến năm 2025, TPHCM sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra liên quan về tài chính đất đai.